10 loại nước ép không nên uống cùng thuốc tây

Trái cây có chứa các chất hóa chất thực vật, chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic, carotenoid, vitamin, phytoestrogen… có lợi cho sức khỏe. Nước ép trái cây giúp cải thiện vị giác, bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ quá trình trao đổi chất.

Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý một số loại nước ép có khả năng phá hủy cấu trúc thành phần trong thuốc, đẩy nhanh tốc độ hòa tan thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị.

Nước ép bưởi có khả năng tương tác mạnh với thuốc điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp, cholesterol; thuốc chống trầm cảm, chống co giật, ức chế miễn dịch.

Nước ép cam cũng ảnh hưởng đến tác dụng của nhóm thuốc tim mạch, mỡ máu, giảm cholesterol. Nước ép cam có thể làm tăng nồng độ thuốc trong máu, dẫn đến nguy cơ gặp tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm tổn thương cơ bắp và gan. Theo bác sĩ Trà Phương, loại nước ép này cũng có thể làm giảm khoảng 60% hấp thụ của một số thuốc trị loãng xương so với nước lọc.

Tránh dùng nước ép họ cam, quýt, chanh với thuốc kháng viêm không steroid. Các loại nước ép giàu vitamin C cũng được khuyến cáo không uống cùng thuốc có thành phần kém bền vững ở môi trường axit.

Nước ép cà rốt chứa nhiều beta-carotene (tiền vitamin A), vitamin K. Uống nước ép cà rốt với một số loại thuốc chống đông máu có thể làm thay đổi mức độ hấp thụ, chuyển hóa của các thành phần thuốc trong cơ thể, gây ra tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả điều trị.

Tránh uống nước ép trái cây cùng thuốc tây để đảm bảo hiệu quả điều trị. Ảnh: Thành Trung

Nước ép nho có thể tương tác với các loại thuốc ức chế miễn dịch, tăng nồng độ cyclosporine trong máu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc. Loại nước ép này cũng có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc điều trị tim mạch, thuốc chống nấm.

Nước ép việt quất dễ làm tăng tác dụng của thuốc làm loãng máu, tăng nguy cơ chảy máu. Loại trái cây này cũng có thể ức chế khả năng chuyển hóa thuốc của enzyme CYP2C9 trong ruột, gan.

Nước ép táo có hàm lượng đường cao. Nếu sử dụng có thể làm tăng lượng đường trong máu, làm giảm tác dụng của thuốc trị tiểu đường.

Nước ép mận, chuối, cà chua chứa lượng kali cao, dễ làm tăng tích lũy kali trong cơ thể. Do đó người đang uống thuốc lợi tiểu, mắc bệnh thận hoặc chạy thận nhân tạo khi sử dụng cần cân nhắc và tính toán kỹ để tránh biến chứng tim mạch, huyết áp.

Nước ép dứa chứa chất bromelain, có thể làm giảm hiệu quả thuốc chống đông máu. Chất này cũng phản ứng với một số thuốc kháng sinh, thuốc an thần.

Bác sĩ Trà Phương khuyến cáo sử dụng nước đun sôi để nguội hoặc nước lọc đảm bảo vệ sinh để uống thuốc. Cẩn trọng khi uống thuốc với nước đóng chai tinh khiết có chứa khoáng chất canxi, natri… vì có thể tương tác với thuốc, gây hại sức khỏe.

Trịnh Mai

Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/10-loai-nuoc-ep-khong-nen-uong-cung-thuoc-tay-4824691.html