12 tiếng bám cột đèn sinh tồn giữa lũ

Chiều 28/10, thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy chìm trong biển nước mênh mông. Nhà ông Duy bị ngập 1,5 m, việc đi lại, nhận đồ tiếp tế hoàn toàn bằng thuyền máy, nhưng thuyền sắp hết xăng. Vì vậy dù trời mưa, người đàn ông 56 tuổi phải lái thuyền nhôm dài 7 m, rộng 1,4 m, có gắn động cơ ra trung tâm xã Mai Thủy mua xăng.

Lúc đi, ông mặc áo mưa, ngoài khoác áo phao cứu sinh, đầu đội mũ bảo hiểm xe máy, bọc điện thoại vào túi nylon rồi bỏ trong túi quần. Làm nghề nông, nhà gần sông Kiến Giang thi thoảng cũng đi bắt tôm cá nên ông Duy thạo lái thuyền.

Ông Duy kể lại khoảnh khắc đương đầu với lũ

 
 
Ông Duy kể lại khoảnh khắc đương đầu với lũ

Ông Trương Văn Duy kể lại đêm bám vào cột đèn. Video: Đức Hùng

Thuyền chạy giữa dòng lũ, ngày thường là quốc lộ 9C. Đi được nửa đường, gió to sóng lớn đánh liên tục khiến thuyền tròng trành. Ông Duy cố sức giữ vững tay lái nhưng đôi khi thuyền vẫn lệch đường. 17h30, nước tràn vào khoang nhấn chìm thuyền. Ông Duy rơi xuống cánh đồng sâu gần 2 m.

Đầu đội mũ bảo hiểm, người mang nhiều quần áo vướng víu, ông Duy khó khăn bơi lại cột đèn đường bên quốc lộ, cách vị trí gặp nạn khoảng 20 m. Cất tiếng gọi “cứu tôi với, có ai không” rất to, nhưng lúc đó trời tối, chỉ có giọng nói của ông vọng lại, chẳng thấy bóng người.

Thấy chỗ mình nước quá sâu, ông Duy nghỉ khoảng 5 phút rồi bơi hơn 50 m đến một cột đèn khác cao 5 m, có gắn khung sắt biển quảng cáo, cũng nằm trên quốc lộ 9C. Cảm nhận vị trí này sâu 1,5 m, đỡ nguy hiểm hơn, lại có nhiều vị trí bám víu nên ông quyết định trụ lại đây.

Ông mở điện thoại lên gọi về cho gia đình thì thiết bị ngấm nước đã hỏng. Xác định sẽ phải bám cột đèn lâu, ông cởi mũ bảo hiểm, xé áo mưa tiện lợi, bỏ bớt áo đang mặc trên người cho trôi giữa lũ. “Tôi chỉ mặc một chiếc áo phao, phía ngoài khoác áo mưa cho ấm. Trong tình huống này, nếu người mặc nhiều đồ thì rất khó bơi, phải vứt hết đề phòng tình huống xấu”, ông giải thích.

Chiếc thuyền nhôm bị chìm đã được ông Duy vớt về ngày 31/10. Ảnh: Đức Hùng

Trời về khuya mưa càng nặng hạt, gió rít liên hồi khiến từng đợt sóng lớn đánh vào cột đèn, tạt trúng người gây rát. Tấm biển quảng cáo gắn bên cột đèn cao 1m, rộng 0,8 m, đã bị ông Duy xé một nửa, một nửa chừa lại để chắn gió. Ông ngồi lên khung sắt, chọn vị trí ngược với chiều gió để cho đỡ rét, dùng dây dù của áo phao neo người lại bên cột, đề phòng lỡ trượt tay rớt xuống dưới.

“Gần đây có du khách trôi cả ngày giữa biển còn sống, tôi nghĩ mình chẳng bao giờ chết được”, ông Duy nói rồi cười lớn. Vị trí đang bám trụ cách mặt nước hơn một mét nên khá an toàn, nếu rơi xuống cũng bơi được đoạn dài. Vì thế, ông xác định cần bình tĩnh, ngủ một giấc để lấy sức khỏe.

“Tôi ước thời gian trôi thật nhanh”, ông Duy nói. Đến 4h ngày 29/10, ông Duy tỉnh ngủ, người đã ngấm nước, bắt đầu thấy rét, chân tay run lẩy bẩy. Ông vẫn tin rằng vị trí ngập lụt là tuyến đường huyết mạch, sẽ có nhiều người chèo thuyền qua lại. Nếu phát hiện bóng người, ông hét lớn chắc chắn họ nghe thấy.

Đến 5h30, anh Lê Văn Thắng, cán bộ Điện lực huyện Lệ Thủy, trên đường đi kiểm tra lưới điện cùng thuyền của cán bộ Viettel, phát hiện ông Duy kêu cứu từ xa nên tiếp cận, đưa về trụ sở cách hiện trường gần một km chăm sóc.

Bà Tín cười hiền, nói chồng khi trở về đã giật mình khi thấy bàn thờ nghi ngút khói hương. Ảnh: Đức Hùng

Gần trưa, ông Duy lội nước trở về nhà ở xã Xuân Thủy. Thấy thuyền chở chồng đến sân, bà vợ Lê Thị Tín đứng im lặng vài giây, lấy tay lau nước mắt. Tối 28/10 không thấy chồng trở về, bà gọi điện thì thuê bao không liên lạc được nên rối bời ruột gan. Con gái 23 tuổi đang làm việc ở miền Nam liên tục gọi điện về khóc.

Đến 0h ngày 29/10, cố liên lạc với chồng lần nữa song bất thành, bà nghĩ 90% là rủi ro, còn 10% hy vọng nhỏ nhoi là thoát nạn. “Cả đêm tôi không ngủ, nước mắt ngắn dài. Gọi điện cho họ hàng hai bên nội ngoại thông báo sự việc, mọi người định chèo thuyền đi tìm, nhưng chẳng biết vị trí nào. Tôi liên tục thắp hương cầu nguyện, mong điều kỳ diệu”, bà Tín kể.

Nghe vợ nói, ông Duy cười bảo mấy hôm nay luôn đùa với vợ: “Tôi với bà chung sống đến già. Hiện mình trẻ chán, đâu dễ đi nhanh vậy được”.

Sau tai nạn, ông Duy cũng rút ra được nhiều bài học sinh tồn như đi giữa lũ cần có phương tiện để liên lạc, trên thuyền cần đặt vật nặng ở trong khoang đề phòng gió lớn, sóng đánh tròng trành gây lật.

Vùng rốn lũ Lệ Thủy, chiều 31/10. Ảnh: Đức Hùng

Ảnh hưởng bão Trà Mi và không khí lạnh, từ ngày 25/10 đến 29/10, Quảng Bình liên tục mưa to. Tổng lượng mưa ở hồ Sông Thai đã lên 1.210 mm, hồ An Mã 870 mm. Rạng sáng 29/10, lũ sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên cao nhất 4,14 m, vượt báo động ba 1,38 m, khiến hơn 32.000 hộ dân bị ngập 1,5-2,5 m.

Ngày 31/10, lũ đang rút, quốc lộ 1 đã thông, hai vùng ngập nặng nhất là Quảng Ninh và Lệ Thủy nhà dân còn ngập 0,2-0,4 m. Toàn tỉnh ghi nhận 7 người tử vong.

Đức Hùng

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/12-tieng-bam-cot-den-sinh-ton-giua-lu-4810773.html