Ở độ tuổi 72, Ramakrishnan, một người Mỹ gốc Ấn, vẫn có sức khỏe tốt và cơ thể cân đối. Khi những liệu pháp “hack tuổi sinh học” (biohacking) được quảng bá tràn lan, như phương thức “thần thánh” giúp con người sống lâu hơn, Ramakrishnan cho rằng chìa khóa trường thọ đơn giản hơn nhiều.
Trong cuốn “Why We Die”, Ramakrishnan viết, chỉ riêng 10 năm qua, hơn 300.000 bài báo khoa học về lão hóa được xuất bản, hơn 700 công ty khởi nghiệp đầu tư hàng chục tỷ USD vào nghiên cứu lão hóa. Một số cho ra đột phá khoa học, giúp con người hiểu sâu hơn về nguyên nhân cơ bản của lão hóa. Tuy nhiên, ông đánh giá nhân loại chưa có bước chuyển mình thực tế ở lĩnh vực này, dù các công ty quảng cáo thái quá.
Theo Allied Market Research, thị trường toàn cầu cho các liệu pháp liên quan đến tuổi thọ và chống lão hóa được định giá 25,1 tỷ USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt 44,2 tỷ USD năm 2030. Khác với thuốc kê đơn, các phương pháp biohacking không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt nghiêm ngặt trước khi tung lên kệ.
“Tôi sẽ không chi quá nhiều tiền cho thực phẩm chức năng đến khi chúng được chứng minh lợi ích rõ ràng. Tôi sẽ chờ bằng chứng, nhưng nhiều người quá vội vàng vì cho rằng thời gian không chờ đợi ai. Đó là tâm lý cách doanh nghiệp đang lợi dụng. Tôi không phủ nhận nghiên cứu về tuổi thọ, nhưng tôi phản đối cường điệu hóa chúng”, Ramakrishnan nói.
Thay vì liệu pháp oxy phức tạp hay chất bổ sung NAD+ đắt đỏ, Ramakrishnan chia sẻ ba lựa chọn lối sống đơn giản, dựa trên bằng chứng khoa học có thể giúp chống lão hóa.
Về chế độ ăn uống, Ramakrishnan đề cao các thực đơn lành mạnh như Địa Trung Hải, với nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Ông cho biết ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể gây bệnh tim mạch, tiểu đường type 2 và ung thư.
Bản thân ông luôn ăn nhiều protein, trái cây, rau và chất xơ. Ông là một người ăn chay trường, luôn tự nấu ăn bằng các nguyên liệu cơ bản. Ông cũng tin rằng kiểm soát khẩu phần ăn rất quan trọng và đồng tình với quy tắc ăn uống nổi tiếng của nhà văn Michael Pollan: “Không ăn quá nhiều. Chủ yếu ăn thực vật”.
Bên cạnh ăn uống, Ramakrishnan cho biết tập thể dục giúp mọi người lão hóa một cách khỏe mạnh hơn. Việc tập luyện khiến các mô, tế bào tái tạo, đặc biệt là ty thể, “nhà máy năng lượng của tế bào”.
Ramakrishnan không sử dụng ô tô. Ông đạp xe ít nhất 10 km mỗi ngày và đến phòng gym vài lần một tuần. Tại đây, ông tập kháng lực và cả aerobic.
“Bạn cần thực hiện cả bài tập cardio và kháng lực. Một bài để giữ hệ tim mạch khỏe mạnh, bài còn lại để duy trì khối lượng và sức bền cơ bắp”, ông nói.
Năm 2022, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 100.000 người trưởng thành ở Mỹ, độ tuổi trung bình là 71. Kết quả cho thấy, tập tạ kết hợp cardio hoặc aerobic từ 150 đến 300 phút một tuần làm giảm 41% nguy cơ tử vong vì tất cả các nguyên nhân so với việc ít vận động.
Ramakrishnan cũng cho rằng mọi người đánh giá thấp tầm quan trọng của giấc ngủ. Ông thích ngủ 8 tiếng mỗi đêm. Trong chu kỳ giấc ngủ, cơ thể sửa chữa rất những hao mòn tích lũy từ cuộc sống hàng ngày.
“Ngủ là cách thiết lập lại mọi thứ và tái tạo mọi thứ”, ông nói.
Nghiên cứu cho thấy ngủ đủ và sâu giấc có thể kéo dài vài năm tuổi thọ. Trong phân tích sơ bộ được trình bày tại Phiên Khoa học Thường niên năm 2023 của Đại học Tim mạch Mỹ, các nhà nghiên cứu xác định 4 tiêu chí của giấc ngủ chất lượng: ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm; khó ngủ không quá hai lần một tuần; không sử dụng bất kỳ loại thuốc ngủ nào; và cảm thấy tỉnh táo sau khi thức dậy ít nhất 5 ngày một tuần.
Trong số hơn 172.000 người tham gia nghiên cứu, nam giới báo cáo đủ 5 tiêu chí về giấc ngủ chất lượng dự kiến sống lâu hơn 4,7 năm so với những người không có hoặc chỉ có một tiêu chí. Phụ nữ có đủ 5 tiêu chí sống lâu hơn 2,4 năm.
Ramakrishnan kết luận: “Giấc ngủ quan trọng hơn nhiều so với những gì mọi người nhận ra”.
Ramakrishnan đã nhận Nobel Hóa học vào năm 2009 cùng với hai nhà khoa học khác, Thomas A. Steitz và Ada E. Yonath, vì những nghiên cứu của họ về cấu trúc ribosome. Ribosome là các cấu trúc trong tế bào chịu trách nhiệm tổng hợp protein, Nghiên cứu của họ đã giúp làm sáng tỏ cách thức ribosome hoạt động, từ đó có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu biết về sinh học phân tử và phát triển thuốc.
Thục Linh (Theo Why we die)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/3-chia-khoa-truong-tho-cua-nha-khoa-hoc-nobel-4815692.html