Thomas C. Corley là một trong những nhà diễn thuyết nổi tiếng về quản lý tài chính, cộng tác thường xuyên với các tờ Business Insider, CNBC và một số đài truyền thông quốc gia khác.
Chuyên gia nói ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, hoạt động của mọi người khá giống nhau trong 20 giờ cho công việc, ngủ, ăn uống, di chuyển… Khác biệt nằm ở bốn giờ còn lại.
Sau khi phân tích kỹ, Thomas C. Corley tổng kết thói quen chính là điềm báo trước, quyết định sự giàu nghèo, hạnh phúc, buồn bã, căng thẳng và tình trạng sức khỏe của một người.
Dưới đây là 3 thói quen của những người làm mãi vẫn không thể giàu có.
Không thể thoát khỏi tâm lý đám đông
Nhiều người không hề lười biếng nhưng cuộc sống vẫn không thể khá lên. Khi hỏi họ về dự tính tương lai, câu trả lời nhận về chỉ là “Làm công ăn lương thì làm sao tính được gì, cuộc sống như vậy cũng ổn rồi”.
Trong cuốn “Tâm lý học đám đông“, nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon từng nói: “Sau khi một cá nhân gia nhập vào quần thể, họ sẽ mất nhận thức về bản thân và trở thành một thành viên mù quáng, bốc đồng, cuồng tín dưới sự áp bức của ý chí tập thể”.
Có thể hiểu, một người tham gia vào đám đông, những yếu tố như áp lực xã hội, sự kiện không lường trước và tác động của người khác có thể làm thay đổi cách họ hành xử so với khi ở một môi trường đơn lẻ.
Bởi vậy, khi xung quanh bạn là những người ích kỷ, hẹp hòi, cơ hội và lười biếng nếu ở lâu dài, bạn sẽ bị “nhiễm” thói hư tật xấu mà chính bản thân không hay biết. Hoặc khi bạn cố gắng thay đổi nhưng bị đem ra chế giễu thì nhiệt huyết sẽ cạn kiệt dần và bạn không muốn tiếp tục thay đổi nữa.
Không thiết lập các mối quan hệ
Andrew Carnegie, ông vua ngành thép của Mỹ, chia sẻ “tri thức của các chuyên gia chỉ chiếm 15% trong thành công của họ, 85% còn lại phụ thuộc vào các mối quan hệ”. Không thể chắc chắn ai đó sẽ làm mãi một công việc, lúc khó khăn thì những mối quan hệ xây dựng trước đó sẽ phát huy tác dụng. Mạng lưới những người chung ngành, thậm chí trái ngành sẽ mang tới nhiều cơ hội việc làm mới.
Tương tự, nếu như không biết cách xây dựng mối quan hệ với khách hàng hoặc đối tác, bạn sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc và khó đạt được thành công trong sự nghiệp.
Không biết cách quản lý tiền bạc
Trong kinh doanh có “Hiệu ứng ly cà phê” được giới thiệu bởi David Bach, một doanh nhân, nhà sáng lập của FinishRich.com cho rằng “một lượng tiền nhỏ chi tiêu thường xuyên sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với những gì ta tưởng tượng”.
Hiệu ứng này được áp dụng cho những thói quen mua sắm hàng ngày. Tuy mỗi lần mua với số tiền nhỏ, nhưng một ngày mua nhiều lần, cộng dồn nhiều ngày, nhiều tuần sẽ là khoản lớn. Điều quan trọng là đa số những món đồ này đều không phải là vật dụng thật sự cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày. Những người làm mãi cũng không giàu cũng đều mắc vào chiếc bẫy vô hình của hiệu ứng này.
Chỉ bằng cách ghi chép chi tiêu chi tiết và đầy đủ, bạn mới có thể nhìn thấy mối liên hệ giữa những chi tiêu nhỏ và tổng thu nhập hàng tháng, từ đó giúp kiểm soát tốt hơn về mặt tài chính. Đây là bước đầu tiên quan trọng giúp bạn tránh xa bẫy Latte và hướng tới một tương lai tài chính ổn định hơn.
Một vài gợi ý của Thomas C. Corley cải thiện tư duy kiếm tiền.
Thứ nhất: Không chỉ biết phàn nàn mà cần lập kế hoạch để công việc trở nên suôn sẻ, đạt hiệu quả tốt hơn. Hiệu suất làm việc tốt sẽ khiến bạn nổi bật so với những cá nhân thuộc cùng tầng lớp và có nhiều cơ hội thăng tiến.
Thứ hai: Không ngừng học hỏi, căn cứ theo con đường phát triển của bản thân mà học thêm một kỹ năng, nâng cao giá trị.
Thứ ba: Không nên lúc nào cũng chỉ hợp tác, giao thiệp với người cùng tầng lớp, nên tìm cơ hội để tiếp xúc với người thuộc tầng lớp cao hơn. Mỗi lần cải thiện bản thân, sẽ cách tầng lớp mà bạn đang thuộc về một khoảng xa hơn và gần hơn một chút so với tầng lớp cao bạn đang hướng tới. Từng bước, sẽ có một ngày bạn đạt được vị trí mới.
Vì sao nên nhắm đến các tầng lớp cao để phát triển bản thân? Hiệu ứng Matthew nói: “Người thuộc tầng lớp càng cao, càng kiếm được nhiều tiền, lãi suất càng lớn”.
Trang Vy (Theo Aboluowang)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/3-thoi-quen-khien-lam-mai-van-khong-giau-4812639.html