Ngày 20-12, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội 5 dự án BOT đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM, thông tin hiện nay chỉ có TP HCM xin cơ chế thí điểm thực hiện BOT trên tuyến đường hiện hữu. Sở GTVT cơ bản đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án và trình Hội đồng thẩm định TP.
Nếu thuận lợi, cuối quý I/2025, tại kỳ họp HĐND TP HCM sẽ thông qua chủ trương đầu tư, hoàn chỉnh dự án khả thi trong quý II/2025, phấn đấu khởi công dự án cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.
“Đây là 5 tuyến đường cửa ngõ chiến lược, đa số được đề xuất xây dựng đi trên cao để mang hiệu quả tối ưu. Do đó, giải pháp thi công ra sao, áp dụng công nghệ gì để hạn chế tác động cũng như cách thức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ càng. Trước mắt, giai đoạn 1, TP HCM sẽ xin thí điểm BOT đối với 5 dự án, sau đó Sở GTVT sẽ rà soát các tuyến đường khác để trình thêm những dự án BOT khác” – ông Lâm cho hay.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết tổng mức đầu tư 5 dự án BOT khoảng 61.000 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 37.000 tỉ đồng (chiếm 61% dự án), vốn huy động 23.800 tỉ đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 20-30 năm. Có 3 dự án đề xuất làm đường trên cao, 2 dự án làm đường dưới thấp.
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, cho rằng đối với các dự án này hạn chế thấp nhất vấn đề giải tỏa, chỉ giải tỏa đủ quy mô cần thiết nhằm giảm chi phí và thời gian đền bù. “Dự án nào làm đường trên cao thì dân trả tiền còn đường dưới thấp hiện hữu không thu tiền, không cần miễn giảm. Ngoài ra phải thực hiện nhanh 5 dự án này trước khi Nghị quyết 98 sơ kết, trong 5 dự án nghiên cứu lại xem cái nào làm BOT thì làm, không thì làm ngân sách nhà nước” – ông nói.
Đa số các địa phương có dự án đi qua như quận 7, huyện Bình Chánh, Hóc Môn đều nhận định khi triển khai dự án BOT này sẽ giải tỏa ùn tắc giao thông quanh khu vực cũng như giúp phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Tuy nhiên, dự án cần sớm triển khai, xác định ranh để thông tin rộng rãi cho người dân an tâm sinh sống.
Là người dân sống tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, ông Tô Hồng Giang đề nghị TP áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư hợp lý; quá trình thi công hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Bà Trần Thị Hương (quận 8, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu đường Bình Tiên trước đây) bày tỏ mong muốn UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm triển khai dự án Cầu đường Bình Tiên vì dự án này “treo” khá lâu, người dân sống trong khu vực không được xây dựng, sửa chữa nhà, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Khi triển khai cần quan tâm chính sách bồi thường, tái định cư để người dân “an cư lạc nghiệp”.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/5-du-an-bot-o-tp-hcm-nguoi-dan-mong-gia-boi-thuong-hop-ly-196241220165259119.htm