Mô phỏng sự kiện tuyệt chủng khiến khủng long tuyệt chủng. Ảnh: Daily Express
Trái Đất đã trải qua ít nhất 5 thời kỳ đại tuyệt chủng trong lịch sử, khiến vô số loài động thực vật tuyệt chủng, theo Popular Science.
Sự kiện tuyệt chủng Ordovic – Silur
Cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên được biết tới trên Trái Đất xảy ra cách đây khoảng 440 triệu năm. Sự đa dạng của các loài tăng lên trong thời kỳ kéo dài khoảng 30 triệu năm, nhưng chững lại khi nước bắt đầu đóng băng thành một chỏm băng khổng lồ hướng về phía cực nam.
Sự hình thành của dãy núi Appalachian có thể là nguyên nhân dẫn tới thời kỳ lạnh này. Khi siêu lục địa Gondwana va chạm với khu vực nay là Bắc Mỹ, đại dương lapetus khép lại sau khoảng 150 triệu năm. Quá trình phong hóa của lớp đá mới nhô lên từ va chạm lục địa có thể đã hút carbon dioxide từ khí quyển. Kết quả là hành tinh lạnh đi nhanh chóng, mực nước biển giảm nhanh chóng, khoảng 85% số loài bị xóa sổ. Do mực nước biển sụt giảm, các loài động vật biển như ngành tay cuộn, san hô và bọ ba thùy rất khó tồn tại.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Devon
Các loài động vật biển trên Trái Đất, đặc biệt là loài sống ở vùng nhiệt đới, gặp rắc rối lần nữa cách đây 365 – 419 triệu năm. Cuộc đại tuyệt chủng ở kỷ Devon đã khiến 75% sự sống biến mất. Tuy nhiên, loài cá thuộc hàng cổ xưa nhất trên Trái Đất là cá vây tay đã thoát nạn và tồn tại tới ngày nay.
Dù chưa có nguyên nhân rõ ràng cho sự kiện đại tuyệt chủng này, nồng độ oxy trong đại dương liên tục giảm vào thời gian này. Sự kết hợp của một số áp lực lớn như lượng trầm tích quá lớn, nhiệt độ toàn cầu nóng lên hoặc lạnh đi nhanh chóng, tác động từ sao chổi hoặc thiên thạch, hoạt động núi lửa, dưỡng chất quá nhiều từ lục địa đổ ra biển có thể đã góp phần thúc đẩy tuyệt chủng.
Một số thực vật đã trải qua sự thích nghi, bao gồm sử dụng hợp chất củng cố gốc rễ lignin và phát triển cấu trúc mạch dẫn. Cả hai đặc điểm cho phép chúng phát triển, để hệ rễ vươn sâu hơn trước. Kết quả là khi rễ ăn sâu, quá trình phong hóa đá có thể tăng lên.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Parmi – Tam Điệp
Cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất mang tên “Great Dying” xảy ra khoảng 252 triệu năm trước. Những vụ phun trào núi lửa lớn thúc đẩy thay đổi khí hậu làm biến đổi toàn bộ sinh quyển của hành tinh. Trong hơn 60.000 năm, 96% sinh vật biển trên Trái Đất và 75% sinh vật trên cạn bị xóa sổ. Great Dying là sự kiện tuyệt chủng gần nhất với khủng hoảng môi trường hiện nay trên Trái Đất do cả hai đều bao gồm ấm lên toàn cầu liên quan tới giải phóng khí nhà kính, theo nhà cổ sinh vật học Christian Kammerer.
Tuy nhiên, một số loài vẫn sống sót như nhóm động vật lưỡng cư nguyên thủy mang tên temnospondyl sống sót bằng cách ăn con mồi ở nước ngọt mà động vật ăn thịt lớn trên cạn không thể tiếp cận.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Tam Điệp – Jura
Sự sống bắt đầu đa dạng hóa nhanh chóng sau sự kiện Great Dying nhưng vẫn gặp khó khăn. Những vụ phun trào núi lửa lớn thúc đẩy sự kiện tuyệt chủng kỷ Trias – Jura khoảng 201 triệu năm trước. Nồng độ carbon dioxide tăng trở lại, axit hóa đại dương và khiến Trái Đất ấm lên trung bình vài độ. Kết quả là 80% số loài trên cạn và ở biển tuyệt chủng.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn Trắng – Cổ Cận
Khoảng 66 triệu năm trước, một thiên thể lớn đâm vào Trái Đất ở vùng ven biển của bán đảo Yucatán ở Mexico ngày nay. Tác động từ tiểu hành tinh rộng gần 11 km tạo ra sóng thần khổng lồ và cột bụi, mảnh vỡ, khí lưu huỳnh vươn cao trong khí quyển. Tất cả vật liệu này khiến nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh trong khi cháy rừng bốc lên ở phạm vi 1.448 km quanh hố va chạm. Miệng hố hình thành từ vụ va chạm tiểu hành tinh rộng khoảng 193 km.
Khi hệ sinh thái sụp đổ, khoảng 75% số loài động thực vật đang tồn tại tuyệt chủng. Tất cả khủng long không phải chim bị xóa sổ, mở đường cho động vật có vú đa dạng hóa và làm chủ Trái Đất.
An Khang (Theo Popular Science)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/5-su-kien-dai-tuyet-chung-lon-nhat-trong-lich-su-trai-dat-4870171.html