Có hơn 250 loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau có thể tồn tại trong thực phẩm. Ngoài vi khuẩn có lợi như lactobacilli trong một số loại sữa chua, vi khuẩn có hại có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, ngộ độc thực phẩm…
Vi khuẩn xâm nhập vào thực phẩm bằng nhiều cách như thông qua nước dùng để tưới rau củ, nước rửa và chế biến thức ăn bị ô nhiễm, hải sản nhiễm độc tố ở biển. Một số vi khuẩn, virus sau đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Noroviruslà loại virus gây bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Con đường lây truyền thường gặp là tiếp xúc với người và bề mặt bị nhiễm bệnh, ăn thực phẩm hoặc đồ uống chứa virus. Các nguồn thực phẩm phổ biến có norovirus bao gồm sản phẩm tươi sống, động vật có vỏ và các mặt hàng ăn sẵn như salad, bánh sandwich và trái cây cắt lát do những người bị nhiễm bệnh chế biến.
Triệu chứng nhận biết gồm tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và buồn nôn. Để giảm nguy cơ, hãy rửa tay sạch bằng nước ấm và xà phòng, chà xát ít nhất 20 giây. Đeo găng tay bất cứ khi nào chuẩn bị thức ăn sẵn, thường xuyên khử trùng bề mặt và khăn trải giường có khả năng nhiễm virus.
Vi khuẩn salmonella thường xuất hiện trong thịt gia cầm, thịt lợn, trứng và thịt đỏ cũng như trái cây, rau (nhất là giá đỗ) và các loại hạt. Salmonella cũng được tìm thấy trong các mặt hàng như thức ăn và đồ ăn vặt cho vật nuôi. Ngộ độc thực phẩm do salmonella gây tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt và đau bụng hoặc chuột rút.
Biện pháp phòng ngừa là tránh các loại protein chưa nấu chín như trứng sống, thịt tái. Sữa chưa tiệt trùng cũng là thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn salmonella, nên cần cẩn trọng khi lựa chọn và tiêu thụ.
Vi khuẩn campylobacter là loại vi sinh vật truyền nhiễm gây tiêu chảy kéo dài. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như đau bụng và chuột rút, sốt, nôn mửa khi nhiễm vi khuẩn campylobacter. Vi khuẩn này thường xuất hiện trong sữa chưa tiệt trùng (còn gọi là sữa thô), gia cầm, động vật có vỏ.
Vi khuẩn e.coli hay ẩn náu trong động vật chưa nấu chín như thịt bò sống, sữa, pho mát chưa tiệt trùng, trái cây, rau sống và nước bị ô nhiễm. Bệnh gây tiêu chảy (có thể có máu), đau bụng và nôn mửa. Nhiễm trùng e.coli nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng gọi là hội chứng urê huyết tán huyết (HUS), đặc trưng bởi tình trạng đi tiểu ít hơn, nước tiểu sẫm màu và tái nhợt mặt. Người bệnh nghi ngờ nhiễm khuẩn e.coli nên sớm đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, tránh biến chứng.
Một số mẹo giúp giảm nguy cơ như không ăn những thực phẩm có nguy cơ cao như thịt bò sống hoặc nấu chưa chín, rửa tay thật kỹ khi chuẩn bị và nấu thức ăn.
Tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) không phổ biến như các loại vi khuẩn trên, nhưng vẫn gây ngộ độc thực phẩm nếu người bệnh dùng các món như thịt nguội, bánh sandwich, salad và đồ ngọt chưa được xử lý hoặc chế biến kỹ, không được làm nóng sau khi chế biến. Vi khuẩn tụ cầu vàng sản sinh ra độc tố gây bệnh, do đó các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng trong vòng 30 phút đến 8 giờ sau khi tiếp xúc. Triệu chứng gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng.
Anh Chi (Theo Livestrong, WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/5-vi-khuan-virus-de-gay-ngo-doc-thuc-pham-4868059.html