9 dấu hiệu bệnh thận trên da

Bệnh thận diễn tiến dần nên giai đoạn đầu có thể không ra bất kỳ triệu chứng nào. Theo Viện Hàn lâm Da liễu Mỹ (AAD), khi bệnh tiến triển đến giai đoạn sau, chức năng lọc máu của thận đã suy giảm nhiều, người bệnh mới nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây trên da.

Da cực rất khô

Bệnh thận ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn, khiến độ pH của da thay đổi. Điều này làm giảm lượng lipid và độ ẩm tổng thể của da. Da của có thể khô đến mức thô ráp và có vảy, cảm thấy căng và dễ nứt. Tình trạng này thường gặp ở người mắc bệnh thận giai đoạn cuối, cần phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.

Ngứa da

Thận có chức năng lọc máu bằng cách loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Cơ quan này cũng duy trì sự cân bằng các khoáng chất, giải phóng hormone và kiểm soát huyết áp. Khi chức năng thận suy giảm, chất thải tích tụ trong máu gây ra cảm giác ngứa.

Da cực kỳ ngứa là triệu chứng phổ biến của bệnh thận tiến triển. Cảm giác ngứa có thể xảy ra mọi lúc, ở một vùng da hoặc lan ra hầu hết cơ thể. Nếu gãi quá nhiều và mạnh, người bệnh có thể khiến da chảy máu hoặc lở loét, làm lớp da vùng tổn thương dày lên, xuất hiện các nốt sần cứng, rất ngứa. Nếu không có cách nào làm giảm ngứa, người bệnh nên đến bác sĩ da liễu khám.

Người bệnh thận thường bị khô, ngứa da, gãi nhiều gây tổn thương. Ảnh minh họa: Ngọc Phạm

Da đổi màu

Khi thận không thể hoạt động bình thường, độc tố tích tụ có thể gây ra những thay đổi về màu da. Da người bệnh nhợt nhạt hoặc xám, vàng, sẫm màu. Nếu bị ngứa da trong thời gian dài và thường xuyên gãi, người bệnh có thể phát triển các vùng da dày, màu vàng với các vết sưng và nếp gấp sâu, hoặc u nang, các đốm trông giống như mụn đầu trắng.

Móng thay đổi

Bệnh thận có thể ảnh hưởng đến hình dạng móng tay, móng chân hoặc cả hai. Người mắc bệnh thận tiến triển có thể xuất hiện mảng trắng ở phần trên của một hoặc nhiều móng tay, phần dưới màu bình thường hoặc nâu đỏ. Móng tay nhợt nhạt hoặc có các dải trắng chạy ngang một hoặc nhiều móng.

Sưng tấy

Thận không thể loại bỏ chất lỏng và muối dư thừa ra khỏi cơ thể gây ra tình trạng sưng tấy có thể nhận thấy ở chân, mắt cá chân, bàn chân, tay, mặt. Tình trạng sưng tấy có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều vùng trên cơ thể cùng lúc.

Phát ban

Phát ban xảy ra ở người mắc bệnh thận giai đoạn cuối gây ra các nốt nhỏ, hình vòm và rất ngứa. Khi các nốt này biến mất, các nốt mới có thể hình thành. Đôi khi, các nốt nhỏ này kết hợp lại với nhau tạo thành các mảng sần sùi, nổi lên.

Phồng rộp

Một số người mắc bệnh thận giai đoạn cuối phát triển các nốt phồng rộp, có thể hình thành trên tay, mặt, chân. Các nốt phồng rộp vỡ ra, khô lại và đóng vảy. Khi chúng biến mất, các vết sẹo sẽ xuất hiện.

U ở bụng

Đây có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư thận. Ở giai đoạn đầu, ung thư thận ít khi có triệu chứng. Khi ung thư tiến triển, nó có thể gây ra khối u hoặc cục u ở bên hông, bụng, lưng dưới.

Cặn canxi dưới da

Chức năng thận suy giảm gây mất cân bằng một số khoáng chất trong máu như natri và photphat. Điều này khiến một số người bệnh phát triển các cặn canxi trong da. Các cặn canxi thường phát triển xung quanh khớp và không đau. Tuy nhiên, chúng xuất hiện ở đầu ngón tay có thể gây đau nhiều. Nếu cặn canxi đẩy lên qua da, người bệnh có thể thấy dịch tiết màu phấn.

Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp phát hiện bệnh thận ở giai đoạn sớm, trước khi tổn thương vĩnh viễn tại thận xảy ra. Xét nghiệm chức năng thận được khuyến cáo cho người bệnh tiểu đường, huyết áp cao, người từ 65 tuổi trở lên.

Khi bệnh thận ảnh hưởng đến da, bác sĩ chuyên khoa thận có thể phối hợp với bác sĩ da liễu điều trị. Bác sĩ có thể kê kem dưỡng ẩm và thuốc thoa lên da giúp giảm các triệu chứng. Một số người bệnh thận giai đoạn cuối có thể được giảm ngứa bằng liệu pháp quang trị liệu UVB.

Anh Ngọc (Theo AAD)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/9-dau-hieu-benh-than-tren-da-4818234.html