Cuối tháng 5 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm, xem xét kháng cáo kêu oan của T.T.K.N (ngụ tỉnh Trà Vinh) – người mẹ bị tòa sơ thẩm tuyên phạm tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”.
Trao con để lấy 18 triệu đồng
T.T.K.N 22 tuổi, là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn 8/12. Trong lần xét xử này, bị cáo đến tòa từ rất sớm. Với áo sơ mi trắng, quần tây đen, dáng vẻ rụt rè, N. trông giống học sinh cấp III hơn là người vừa bị phán quyết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
N. ngồi khép nép trên hàng ghế dài trước phòng xử án với ánh mắt xa xăm. Mỗi khi có ai hỏi chuyện, N. chỉ trả lời vừa đủ nghe. Đôi khi hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gò má.
Trong vụ án này, N. không một mình thực hiện hành vi mà có sự đồng thuận của T. – cha đứa trẻ và là bị cáo còn lại của vụ án. N. sống chung với T., lần lượt sinh 4 con, đứa lớn nhất sinh năm 2018, nhưng vẫn chưa đăng ký kết hôn.
Hồi tháng 1-2024, cả hai bị TAND tỉnh Trà Vinh đưa ra xét xử, N. lãnh 10 năm tù, T. 13 năm cùng về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Tòa án cho rằng cả hai đã thực hiện hành vi trao đứa con 52 ngày tuổi của mình cho Nguyễn Hữu Dương (quê Hà Tĩnh) để đổi lấy số tiền 18 triệu đồng.
Dựa trên những bằng chứng, HĐXX đánh giá hành vi của N. và đồng phạm là cố ý.
Đối với Nguyễn Hữu Dương, tòa án sơ thẩm xác định trong quá trình điều tra vụ án, Dương bị bệnh, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc, khi khỏi bệnh sẽ xử lý sau.
Tòa án nhận định dù 2 bị cáo đăng tin tìm người hiếm muộn để cho con nuôi nhưng thực tế các bị cáo không tìm hiểu lý lịch của Dương, không biết Dương nhận nuôi hay làm “trung gian chuyển giao” đứa trẻ, cũng không làm thủ tục cho – nhận con nuôi vì mục đích nhân đạo theo quy định.
Mặt khác, sau khi đón em bé, Dương đã đưa cho N. 18 triệu đồng. Cơ quan chức năng còn xác định được Dương là người không có công việc ổn định và có ý định mua bán trẻ sơ sinh để kiếm tiền. Hành động xem đứa trẻ như một món hàng để trao đổi đã khiến dư luận bất bình.
Viễn cảnh màu xám
Chia sẻ với phóng viên trong lúc chờ đợi HĐXX tòa phúc thẩm làm việc, N. không kìm được nước mắt. N. nói chưa từng có ý định đổi chác đứa con mình rứt ruột đẻ ra mà chỉ nghĩ đơn giản rằng hành động trao con sẽ giúp đứa trẻ có được cuộc sống tốt hơn.
N. kể sau khi trao đổi qua mạng xã hội, Dương đã đón taxi xuống điểm hẹn tại Trà Vinh để đón em bé. Sự chu đáo mà N. cảm nhận từ Dương khiến N. tin tưởng người này thật sự muốn tìm con nuôi. Vì thế, N. và T. đã giao con vào tay Dương mà không truy hỏi kỹ càng.
Theo lời N., sau khi báo chí đưa tin về vụ án, nhiều người đã tìm đến thăm hỏi, hỗ trợ vật chất cho gia đình N. Điều này khiến N. rất cảm kích. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cảm thông như vậy. Đã có nhiều người nhìn gia đình N. bằng sự phân biệt.
N. giãi bày cha mình dù tàn tật nhưng vẫn phải đi bán vé số để phụ nuôi các cháu. “Mấy hôm nay trời mưa, ông ngoại (cha của N. – PV) còn bị bệnh, có bữa bán được, bữa không bán được. Nhiều khi đi dọc đường, người ta nhận ra ba, nói đừng mua của ông này, con ổng bán con đó, bộ hết chuyện làm hay sao mà đi bán con. Rồi họ xa lánh ba…” – bị cáo kể trong nghẹn ngào.
Nữ bị cáo nói thêm mẹ của bị cáo rất sợ bị cáo phải đi tù khiến gia cảnh càng túng quẫn hơn. Người mẹ trẻ có biểu hiện hối hận, ăn năn, tự nhận hành vi của bản thân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật mà ra.
N. mong nhận được cái kết hợp lý. Bởi 4 đứa trẻ sống thiếu cha mẹ trong khi kinh tế gia đình phụ thuộc vào ông ngoại mưu sinh bằng việc bán vé số thực sự là viễn cảnh đáng lo…
TAND Cấp cao tại TP HCM hôm đó đã tạm hoãn phiên xử phúc thẩm để triệu tập bị cáo T…
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/noi-day-dut-cua-nguoi-me-tre-4-con-196240607213038819.htm