Vừa qua, Công an quận Long Biên, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trương Văn M. (SN 2008, học sinh lớp 10) về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Vụ án này xôn xao dư luận vì M. đã đánh em N.H.Đ (SN 2010) tổn hại sức khỏe 99%.
Một phút bốc đồng
Chiều 17-3, em T.V.K (SN 2012) cùng ông nội đến chơi tại khu vực sân bát giác trong khuôn viên đình Lệ Mật (TP Hà Nội). Trong lúc chơi bóng rổ giữa Đ. và K. xảy ra mâu thuẫn. Sau đó K. về nhà nhờ anh ruột là M. ra giải quyết. Trên đường đi anh em M. thấy cha là ông Trương Văn T. (SN 1979) đang chạy xe máy trên đường nên kể lại.
Thay vì can ngăn và chở các con về nhà, ông T. lại chở 2 con ra sân bóng rổ. Theo công an, sau khi chở 2 con đến nơi, ông T. nói các con vào gặp ông nội để giải quyết rồi định rời đi. Lúc này ông T. thấy con mình lao vào đánh bạn ngã xuống đất nên mới vào can ngăn rồi chở con về nhà.
Khi quay trở lại, ông T. thấy cháu Đ. có biểu hiện bất thường nên đưa đi cấp cứu. Cháu Đ. bị chấn thương sọ não, hôn mê, tổn hại sức khỏe lên đến 99% hiện được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Đây không phải là lần đầu tiên sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cha mẹ khiến con trẻ vướng vòng lao lý. Trước đó, TAND TP HCM đã tuyên phạt bà Trương Thị B. (SN 1977) mức án 11 năm tù và Huỳnh Văn Q. (SN 2003) 9 năm tù cùng về tội “Giết người”.
Năm 2019, bà B. và ông Huỳnh Văn Qu. ly hôn nhưng cả hai vẫn sống chung nhà. Dù không còn là vợ chồng nhưng cả hai vẫn thường xuyên cãi vã, đỉnh điểm là ông Qu. nói sẽ bán nhà và đuổi 3 mẹ con bà B. ra khỏi nhà nên bà B. nảy sinh ý định giết chồng cũ.
Khi bị ông Qu. chửi bới, bà B. nói với Q. ý định giết ông Qu. và kêu Q. phụ giúp. Trong lúc bà B. giết ông Qu. thì Q. đã phụ mẹ giữ chân. Vào cuộc điều tra, công an đã bắt giữ mẹ con bà B.
Tại tòa, bà B. nước mắt giàn giụa, luôn day dứt vì một phút nóng giận của mình đã khiến chồng cũ thiệt mạng và đánh mất luôn tương lai của con trai.
Khi được hỏi, bà B. ôm mặt khóc: “Bị cáo một thân một mình nuôi 2 con, phận đàn bà đôi khi cũng tủi thân vì có chồng hờ hững, ăn nhậu suốt ngày. Làm quần quật từ sáng tới tối, đêm về lại nghe chửi. Sự việc kéo dài nên…” – bà B. bỏ lửng câu nói rồi xin lỗi con trai.
Khi xét xử, các thẩm phán thường nhắc nhở, phân tích cho các đấng sinh thành hợp tác để vụ án được xét xử, các bị cáo có cơ hội làm lại từ đầu.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng 7 – VKSND TP HCM, cho biết trước đây trong một vụ án giết người, người con chỉ nhìn thấy cha mình sát hại bạn nhưng không tố giác. Sau này cả nhà bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Tuy nhiên, khi ra tòa, người mẹ lại bất hợp tác “diễn trò như người tâm thần” khiến phiên tòa phải hoãn xử nhiều lần.
Lần cuối cùng, chủ tọa phải phân tích điều hay lẽ phải: “Tòa biết bị cáo rất thương con trai mình. Cháu còn rất trẻ, phạm tội ở khung hình phạt không cao. Nếu bị cáo cứ không hợp tác, làm sao tòa xử, làm sao con bị cáo được giải phóng khỏi chốn lao tù? Hãy bình tĩnh mà trả lời…”.
Nghe những lời này, người mẹ đã khóc rưng rức bày tỏ suy nghĩ nông cạn của mình đã bít lối tương lai con. Sau khi nghe những lời khuyên chân tình, bị cáo đã khai rành mạch hành vi giết người của chồng và hành trình cả nhà bỏ trốn.
Cha mẹ phải mẫu mực
Nhiều năm tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho các gia đình có trẻ em phạm tội, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM – cho biết:
“Gia đình nào cũng có những khó khăn riêng, những đứa trẻ sống trong gia đình bất ổn thường hay cáu gắt với bạn bè và các mối quan hệ xung quanh. Có những vụ án đau lòng mà tôi không thể nào quên vì quá phũ phàng. Có những đứa trẻ vì bênh cha hoặc bênh mẹ khi một trong hai xúi giục đã có hành vi trái pháp luật, trái luân thường đạo lý.
Cho nên làm cha mẹ phải mẫu mực, phải nghĩ cho tương lai của con mình, tránh những lời lẽ kích động không hay”.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, cha mẹ phải quan sát hành vi của con trẻ trong các mối quan hệ bên ngoài và trên mạng xã hội. Dù không can thiệp quá sâu vào chuyện của con nhưng việc quan sát sẽ giúp cha mẹ biết được con đang chơi với ai, đang làm gì.
“Khi thấy con mâu thuẫn với bạn hoặc với những người xung quanh thì phải khéo léo khuyên bảo. Có nhiều trường hợp khi cha mẹ không cố ý nhưng những lời nói sẽ vô tình châm dầu vào lửa khiến chuyện mâu thuẫn từ bé xé ra to dẫn đến những hậu quả vô cùng đau lòng” – luật sư Trần Thị Ngọc Nữ phân tích.
Nhiều năm tham gia xét xử các vụ án hình sự, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho rằng có những vụ việc tưởng nhỏ nhưng lằn ranh giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh.
“Khi con nóng giận thì cha mẹ cần can ngăn, an ủi, thậm chí ngồi lại phân tích cho con hiểu. Có những vụ va quệt giao thông tưởng chừng không có gì nhưng khi con cãi vã thì cha mẹ không can ngăn hoặc nói thêm khiến hai bên gây thương tích cho nhau. Hoặc trong gia đình, các con mâu thuẫn nhau thì cha mẹ đứng về một phía khiến mâu thuẫn bùng phát và hậu quả rất khó lường” – bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho hay.
Bà Nhuệ nói thêm: “Cha mẹ, những người lớn khi thấy con xích mích với nhau thì cần nói cho con hiểu. Khi con nóng tính mà cha mẹ cũng nóng tính thì những chuyện tai hại sẽ ập đến. Hãy vì tương lai của con mà hành động cho chuẩn mực, đúng đắn; đừng vì hả giận hay vì cái tôi của mình mà khiến con trẻ phải dính vòng lao lý”.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/cha-me-vo-tam-day-con-vao-lao-ly-196240412220729232.htm