Mới đây, trong phiên xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm của TAND quận 6 tuyên phạt người chồng là bị cáo N.H.H 7 năm tù giam, vợ là bị cáo Đ.T.K.T 4 năm tù giam và em vợ là bị cáo N.T.T 6 năm tù giam vì phạm tội cướp tài sản.
Chủ nợ trở thành tội phạm
Theo cáo trạng, các bị cáo H. và T. cho bị hại L.T.A mượn 7 triệu đồng. Sau đó bị hại L.T.A trốn tránh không trả nợ. Gần 1 năm sau, phát hiện bị hại đang ngồi uống cà phê gần nhà mình, H. và T. đến túm cổ áo A. yêu cầu trả nợ.
Cùng lúc đó em ruột T. là N.T.T đi ngang qua cũng chạy vào một tay nắm áo, tay còn lại đấm vào mặt A. Tiếp đó, bị cáo T. dùng gạch ném vào A. nhưng không trúng.
Bị đánh, bị khống chế nên A. đã giao chiếc xe máy cho T. và H., đồng thời xin giữ lại điện thoại. T. đồng ý và lấy chiếc xe của A. đem về nhà cất giữ. Còn H. tiếp tục hỏi A. có tiền không, khi A. vừa lấy chiếc bóp (bên trong có 220.000 đồng, 5 USD, 1 thẻ ngân hàng) từ trong túi quần ra, H. giật lấy và cùng T. bỏ đi.
Ngay sau đó, Công an quận 6 đã thu giữ xe máy và bắt giữ N.H.H. Riêng T. vì đang nuôi con nhỏ và phải điều trị bệnh nên được tại ngoại.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khai vì bị hại mượn tiền không trả trong khi gia đình bị cáo khó khăn, đang nuôi con nhỏ. Bị hại liên tục trốn tránh không chịu trả nợ nên các bị cáo bức xúc. Các bị cáo cho rằng chỉ muốn lấy lại số tiền đã cho mượn. Vì thiếu hiểu biết pháp luật nên các bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, phạm vào tội “Cướp tài sản”.
Không đồng ý với lời bào chữa của bị cáo, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố theo khoản 1 điều 168 Bộ Luật Hình sự 2015.
HĐXX nhận định hành vi dùng gạch của bị cáo N.T.T ném vào bị hại dù không trúng cũng là hành vi sử dụng phương tiện nguy hiểm nên áp dụng khoản 2 điều 168 Bộ Luật Hình sự 2015 tuyên phạt các bị cáo cao hơn mức đề nghị của VKS.
Thiếu hiểu biết pháp luật
Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho hay vì thiếu hiểu biết pháp luật nên các bị cáo đã đòi nợ không đúng cách dẫn đến vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, HĐXX đã tuyên một bản án quá nghiêm khắc so với tính chất mức độ của hành vi phạm tội của các bị cáo. Cũng cần lên án đối với hành vi và thái độ của người bị hại đã gây bức xúc cho các bị cáo khi tại thời điểm phạm tội, bị hại hoàn toàn có đủ điều kiện trả nợ cho các bị cáo (bị hại nợ các bị cáo 7 triệu đồng trong khi chiếc điện thoại và chiếc xe bị hại đang sử dụng được định giá là 17 triệu đồng). Tại phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cũng nghiêm khắc phê phán hành vi của bị hại. Bị hại đã chây ì, trốn tránh, thiếu thiện chí trả nợ cho các bị cáo.
Những người dự khán phiên tòa hôm ấy đã xót xa khi chứng kiến con nhỏ 8 tuổi của bị cáo H. và T. cố níu lấy cha đang bị dẫn giải ra xe sau phiên tòa. “Chỉ vì mong muốn đòi được nợ mà các bị cáo đã vi phạm pháp luật. Việc đòi nợ không đúng cách khiến chủ nợ vướng vòng lao lý còn con nợ bỗng dưng trở thành bị hại trong vụ án. Các con nhỏ phải sống làm sao khi thiếu vắng cha mẹ” – một người dự khán nhìn nhận.
Theo luật sư bào chữa cho các bị cáo, ngoài việc bào chữa miễn phí, luật sư đã cùng 2 nhà hảo tâm hỗ trợ tiền hằng tháng để cùng gia đình chăm sóc cho con bị cáo. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ ít ỏi nên việc sinh sống, học tập của cháu vẫn còn vất vả.
Không dùng vũ lực để đòi nợ
Theo luật sư Lê Văn Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, hành động dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực đối với con nợ để gây sức ép cho họ trả nợ là không được phép, trái với pháp luật. Không ít trường hợp vì tức giận, vì muốn đòi nợ nhanh, chủ nợ đã thuê xã hội đen đến tận nhà con nợ đập phá tài sản, tự ý lấy tài sản để bán trừ nợ, thuê người đánh đập con nợ, bắt giữ con nợ để ép họ trả tiền… Tuy nhiên, việc làm này không những không hiệu quả mà còn khiến họ có thể phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, cưỡng đoạt tài sản…
Vì vậy, cá nhân, tổ chức khi thu hồi nợ không được có những biện pháp tiêu cực, xâm phạm đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của con nợ, thay vào đó hãy giữ bình tĩnh để thỏa thuận với nhau về cách thức thanh toán nợ. Nếu không thống nhất được thì nên lựa chọn cách thức đòi nợ mạnh mẽ hơn nhưng vẫn đúng pháp luật: tố giác đến cơ quan công an nếu có dấu hiệu hình sự hay khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền yêu cầu họ trả nợ.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/vuong-vong-lao-ly-vi-doi-no-khong-dung-cach-196240329203402374.htm