Phiên tòa hôm ấy xét xử một vụ đánh bạc. Các bị cáo bị bắt quả tang khi đang đánh bạc trong một căn hộ chung cư tại quận 4 (TP HCM) với tổng số tiền là 233 triệu đồng. Căn hộ chung cư là nhà của bạn bị cáo B.V.P (SN 1993, quê Hải Phòng). Bị cáo P. đến tòa cùng vợ.
Từ giải trí đến mê muội
Vợ bị cáo P. nói không biết từ bao giờ, chị lại tự thỏa hiệp trước thói mê cờ bạc của chồng. Chị kể sau khi tốt nghiệp đại học, chị trở về quê tìm được việc trong một cơ quan nhà nước. Anh cưới chị rồi đồng ý cùng về quê vợ làm ăn, sinh sống. Anh vốn hiền lành nên rất được lòng gia đình vợ. Cưới nhau được 3 năm, đôi vợ chồng trẻ đã dành dụm đủ tiền mua đất, cất nhà ở riêng.
Chị là viên chức, làm việc giờ hành chính còn anh kinh doanh tự do nên có thời gian phụ chị chăm sóc 2 con rất chu đáo. Thấy chàng trai “phố” chăm chỉ làm ăn, hàng xóm ai cũng quý mến. Đến khi con gái thứ hai đi học, chị mới dần dà biết được chồng có máu cờ bạc.
Mỗi khi rảnh rỗi, chồng chị lại ngồi mãi ở quán cà phê xóm trên. Tan làm, chị về nhà lo cơm nước, rồi gọi năm lần bảy lượt mới thấy chồng về. Anh nói ngồi xem đánh cờ tướng. Nhưng chị biết được mỗi ván cờ tướng, họ ăn thua vài triệu đồng. Chị hết lời khuyên ngăn chồng tránh xa còn chồng chị đáp nhẹ tênh: “Anh chỉ ngồi xem”.
Không lâu sau đó, người ta lại báo tin thấy chồng chị ngồi đánh bài ở quán cà phê. Chị gặng hỏi, chồng trả lời: “Đánh giải trí”. Những lần chị bắt quả tang, người chồng nói chỉ chơi vài chục ngàn. Cho đến khi bị bắt, anh mới thú thật với chị, mỗi cuộc “giải trí” như thế anh thua ít nhất vài chục triệu đồng.
Trước đó, anh nói với chị là cùng vài người bạn trở lại TP HCM tìm mối làm ăn vì công việc buôn bán ở quê gần đây gặp khó khăn, vốn liếng không thu hồi được.
Vào TP HCM, P. đến sống tại một căn hộ chung cư của người bạn ở quận 4, rồi tổ chức “binh xập xám”. Sau đó, công an ập vào kiểm tra, bắt quả tang. P. bị tạm giam 9 ngày, chị mới biết chuyện.
Đừng làm khổ các con nữa!
Rồi tin tức lan khắp nơi, đi đến đâu cũng nghe xì xào chuyện chồng chị sắp đi tù vì đánh bạc. Lãnh đạo đơn vị mời chị lên hỏi rõ. Chị thở dài chua xót. Là cán bộ có chuyên môn tốt lại năng nổ, nhiệt huyết với công tác, chị được lãnh đạo đơn vị cất nhắc vị trí cao hơn. Nhưng từ khi chồng xảy ra chuyện, chị buồn tủi, chẳng muốn đến cơ quan.
Chị nói thâm tâm chị hiểu rằng hành vi của anh là phạm pháp, là đáng bị lên án và án tù sẽ là bài học để cả đời anh phải khắc ghi để tránh xa trò đỏ đen này. Thế nhưng, thương nhất là 2 con nhỏ ở nhà.
“Tôi muốn giấu các con nhưng các con đi học lại bị bạn trêu chọc “Bố mày sắp đi tù”. Tôi còn nghĩ đến chuyện ly hôn anh vì sợ các con sẽ mang theo những mặc cảm tâm lý rồi suy nghĩ lệch lạc về bố, về tương lai” – chị chua xót nói.
Sau thời gian nghị án, tòa kêu án bị cáo B.V.P 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 5 năm) do bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, ăn năn hối cải và có nơi cư trú ổn định.
Kết thúc phiên tòa, chị vội vã rời tòa nhưng vẫn nói vọng lại: “Đừng làm khổ các con nữa!”. Người chồng thì chạy đi tìm để hỏi phóng viên: “Con tôi có bị ảnh hưởng án tù của bố không cô?
Hai đứa nhỏ đi học, đi làm có bị cản trở gì không cô? Tôi được xóa án tích, lý lịch của các con cần kể lại án tù của bố không cô? Tôi hại các con tôi rồi…” – người đàn ông đứng ở sân tòa với ngổn ngang câu hỏi.
Nhưng có lẽ đây chưa phải chuyện bi kịch nhất liên quan vụ án. Ra đến bãi giữ xe của tòa, người đàn ông tên T. ngồi thụp xuống ghế đá. Anh T. nói đây không phải là lần đầu anh trai anh – bị cáo D. (bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm) – đánh bạc nhưng là lần đầu bị công an bắt và bị đưa ra xét xử.
“Anh từng có một gia đình đáng ngưỡng mộ nhưng vì thói cờ bạc mà vợ chồng ly tán. Hai con nhỏ cũng theo mẹ sang Mỹ định cư. Anh về sống cùng bố mẹ và tôi. Tưởng biến cố khiến anh tỉnh ngộ, làm lại cuộc đời nhưng càng ngày anh càng chìm đắm trong bài bạc.
Ba mẹ tôi bán hết tài sản để trả nợ cho anh hết lần này đến lần khác, cho đến kiệt quệ như hiện nay nhưng anh vẫn lao vào như thiêu thân. Gia đình ngập trong nợ nần khiến tôi mặc cảm với mọi người.
Nhiều lúc tôi thấy hận anh lắm vì anh ích kỷ, chỉ quan tâm đến thú vui của mình mà bỏ mặc người thân, gia đình, không màng đến tương lai của các con, cảnh nghèo túng của ba mẹ ở tuổi xế chiều. Không biết sau lần này, anh có chịu tỉnh ngộ hay chưa?” – anh T. rơm rớm nước mắt kể.
Hệ lụy rất lớn
Chủ tọa phiên xét xử chia sẻ với chúng tôi thực tế nhiều người tham gia đánh bạc ban đầu là để giải trí nhưng sau đó mê muội, bị cuốn vào không lối thoát. Tội đánh bạc là tội phạm trực tiếp xâm phạm đến an toàn công cộng và gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương.
Tuy nhiên, thực tế không phải tội phạm đánh bạc nào trên địa bàn thành phố cũng bị phát hiện, xử lý để đưa vào thống kê. Đây là điều rất đáng lo bởi vì hệ lụy từ tội đánh bạc gây ra đối với xã hội là rất lớn, kéo theo sự phát triển của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác như trộm cắp, lừa đảo, cướp tài sản…, thậm chí mại dâm, tham nhũng…
Theo ông, cần đưa nhiều vụ án đánh bạc ra xét xử lưu động để tăng sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung cho xã hội. Trong mỗi gia đình, cha mẹ phải làm tốt trách nhiệm nêu gương cho con cái.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/tan-nat-gia-dinh-vi-me-co-bac-196240301215033158.htm