Những giọt nước mắt chảy ngược

Ngày 9-10 vừa qua, tại phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), những người dự khán đã chứng kiến giây phút xúc động của bị cáo Trần Thị Mỹ Dung – cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Bị cáo Dung đã gửi lời xin lỗi đến những người bị hại. Nhưng đó không chỉ là sự ăn năn của một người phạm sai lầm mà còn là lời giãi bày của một người mẹ, một người con đã mất đi tất cả.

Chào mẹ trên xe áp giải

Bị cáo Dung nghẹn ngào nói: “Bị cáo biết rằng sai lầm nào cũng phải trả giá nhưng bị cáo cảm thấy cái giá mà mình phải đối mặt là quá đắt”. Bị cáo Dung đang đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù. Theo lời bị cáo, nỗi đau không chỉ đến từ những năm tháng giam cầm phía trước. Điều khiến bị cáo ray rứt đến tận cùng chính là hình ảnh của gia đình, những người thân yêu đang chịu chung nỗi đau mà bị cáo đã mang lại. Bị cáo cảm thấy bất lực khi nhận ra rằng sai lầm của mình không chỉ khiến cuộc đời bị đảo lộn mà còn kéo theo cả tương lai của con cái, cha mẹ già phải chịu cảnh ngóng chờ trong tuyệt vọng.

Đứng đối diện HĐXX, khuôn mặt từng đầy uy quyền của một nữ lãnh đạo ngành ngân hàng giờ đây lộ rõ vẻ mệt mỏi, tiều tụy. Bị cáo Dung thú nhận từ giai đoạn đầu của vụ án, bị cáo đã từng muốn buông xuôi, không muốn lên tiếng hay bào chữa gì cho mình nữa. Nhưng rồi, vào buổi chiều quay trở về trại tạm giam sau phiên tòa, từ xe áp giải, bị cáo bắt gặp hình ảnh cha mẹ mình đứng lặng lẽ ở một góc đường, đợi mong bóng dáng đứa con gái mà họ chưa được gặp lại sau hơn 2 năm. Qua ô cửa sổ của xe áp giải, bị cáo còn thấy cậu con trai 8 tuổi ngây ngô vẫy tay chào theo từng chiếc xe mà chẳng biết chiếc nào mới là xe chở mẹ. Khoảnh khắc ấy như vết dao cắt sau vào lòng bị cáo.

Những giọt nước mắt chảy ngược- Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dung bộc bạch từng lời như nghẹn lại nơi cuống họng rồi vỡ ra trong sự im lặng của phòng xử án: “Bị cáo đau lòng lắm. Bị cáo biết với mức án này, tuổi thơ và tuổi trưởng thành của con bị cáo sẽ không có mẹ. Đây là nỗi đau đớn nhất của bị cáo…”. Bị cáo nói tiếp, trái tim của một người mẹ không cho phép bị cáo bỏ mặc tất cả. Trong khoảnh khắc nhìn thấy gia đình, bị cáo nhận ra rằng dù tương lai có tăm tối đến đâu thì vẫn phải cố gắng để mong có cơ hội được chuộc lại lỗi lầm, được trở về bên gia đình mình.

“Bao giờ cha về?”

Không chỉ riêng bị cáo Dung, tất cả bị cáo trong vụ án này đều đang đối mặt với sự thật nghiệt ngã khi sau lưng họ là những gia đình rạn nứt, những đứa trẻ thơ dại ngóng trông cha mẹ trở về. Thật chua xót khi những con người từng một thời nắm trong tay cả quyền uy và tiền bạc, từng là chỗ dựa vững chắc của gia đình, giờ chỉ còn lại hai bàn tay trắng cùng với nỗi cô đơn và sự hối tiếc không lời.

“Bao giờ cha về?” – câu hỏi ngây thơ ấy hẳn là nỗi ám ảnh ray rứt nhất trong lòng bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc SCB, khi nghĩ về 6 đứa con nhỏ của mình. Trước đó, trong bản án sơ thẩm giai đoạn 1 của vụ án này, bị cáo Văn đã bị tuyên án chung thân vì vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và tham ô tài sản. Nhưng bản án ấy có lẽ không nặng nề bằng bản án tinh thần mà bị cáo phải gánh chịu, đó là sự chia cắt với các con.

Những đứa trẻ còn quá non nớt để hiểu được tội danh mà cha của chúng đang đối mặt. Làm sao chúng có thể hình dung được người cha từng yêu thương, chăm sóc chúng sẽ vắng bóng trong những ngày tháng tương lai sắp tới của chúng? Và liệu, vào những ngày tháng trọng đại nhất của cuộc đời chúng, cha có thể chứng kiến?

Trong những ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm giai đoạn 2, luật sư bào chữa cho bị cáo Văn đã không khỏi nghẹn ngào khi nhắc đến các con của thân chủ. Một trong số chúng mắc bệnh từ nhỏ, cần sự chăm sóc đặc biệt của cha mẹ từng ngày, từng giờ. Một đứa trẻ khác, khi vừa lọt lòng thì cha bị bắt giam. Ngồi ở ghế bị cáo, Văn như thất thần khi nghe nhắc đến những đứa con của mình.

Còn trong lời bào chữa cho bị cáo Chu Lập Cơ – chồng bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một mong ước tưởng chừng rất giản dị nhưng đầy tha thiết đã được luật sư gửi gắm. Luật sư hy vọng rằng thân chủ của mình sẽ có cơ hội sớm trở về để có thể dắt tay con gái bước vào lễ đường trong ngày cưới.

Nói lời sau cùng trước khi HĐXX tuyên án, hết thảy các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn và nỗi ray rứt về những gì đã xảy ra. Ngay cả bị cáo Trương Mỹ Lan, người từng đứng đầu một tập đoàn quyền lực với hàng nghìn công ty lớn nhỏ, cũng bật khóc thành tiếng, tha thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình và đồng phạm để có cơ hội sớm trở về với gia đình, làm lại cuộc đời.

Đến sau cùng, điều mà tất cả họ đều khao khát không phải là những vinh quang xa hoa hay quyền lực mà là những giấc mơ bình dị về sự sum vầy bên gia đình, con cái. Nhưng giờ đây, những giấc mơ bình thường ấy trở thành nỗi khắc khoải trong lòng. Mỗi ngày trôi qua là thêm một lần gia đình các bị cáo chìm sâu hơn vào nỗi ám ảnh chia ly. Quyền lực có thể mang lại giàu sang nhưng không thể mua được sự bình yên và hạnh phúc cho những người ở lại.

Những bị cáo đã mắc sai lầm nhưng cha mẹ, con cái, người thân của họ – những người vô tội – phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Trong ánh sáng yếu ớt của buổi chiều tà nơi sân tòa án, không phải ai cũng thấy những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Những phiên tòa kết thúc nhưng nỗi đau thì không! 

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/nhung-giot-nuoc-mat-chay-nguoc-196241025203305577.htm