Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng đã phát hành cảnh báo NOTAM về vụ phóng tên lửa trong khu vực phóng của SpaceX tại Boca Chica, bang Texas. Khung giờ phóng kéo dài 30 phút sẽ bắt đầu lúc 16h ngày 18/11 theo giờ địa phương (5h ngày 19/11 theo giờ Hà Nội).
SpaceX mất 18 tháng để thực hiện 5 chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Starship, trong đó, chuyến thứ 5 vừa diễn ra tháng trước. Nếu công ty thực hiện chuyến bay thứ 6 vào tuần tới, đây sẽ là thời gian quay vòng nhanh nhất tính đến nay, chỉ hơn một tháng kể từ chuyến bay gần nhất.
Có gì trong chuyến bay thứ 6 của Starship?
Ở nhiều khía cạnh, chuyến bay thứ 6 sẽ giống với chuyến thứ 5, nhưng có một số khác biệt quan trọng. Tầng tên lửa đẩy Super Heavy sẽ lại thử nghiệm hạ cánh kiểu “đũa” – cánh tay của tháp phóng sẽ bắt và giữ cố định tên lửa khi nó trở lại bệ phóng, sau đó hạ xuống mặt đất. Phương pháp này giúp tái sử dụng tầng đẩy nhiều lần và giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa lên quỹ đạo.
Tầng trên Starship sẽ phóng lên không gian, bay theo một quỹ đạo không đầy đủ, sau đó trở lại khí quyển Trái Đất để hạ cánh xuống Ấn Độ Dương. Nhưng lần này, nó sẽ thử tái kích hoạt một trong các động cơ Raptor khi ở trên không gian để thu thập dữ liệu hoạt động quý giá. Nó cũng sẽ thử nghiệm thiết kế tấm chắn nhiệt mới trong quá trình hồi quyển.
Một khác biệt nữa là vụ phóng sẽ diễn ra vào giờ muộn hơn để quá trình tầng trên Starship hạ cánh xuống Ấn Độ Dương được ghi hình dưới ánh sáng ban ngày, đảm bảo chi tiết tốt hơn. Trong những chuyến bay trước đó, tầng này hạ cánh vào ban đêm nên cảnh quay không mang lại cho đội ngũ kỹ sư nhiều thông tin như cảnh quay ban ngày.
Thành tựu trong 5 chuyến bay trước của Starship
Trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 20/4/2023, ba trong 33 động cơ của tầng đẩy không thể khai hỏa. Tên lửa sau đó mất kiểm soát và tự hủy.
Chuyến bay thứ hai vào ngày 18/11/2023 tiến xa hơn, đạt đủ độ cao để tầng đẩy và tầng trên tách ra theo kế hoạch. Tầng đẩy nổ tung trước khi tiếp đất và tầng trên tự hủy, dù hệ thống tên lửa đã thành công chạm tới không gian.
Lần thử nghiệm thứ ba vào ngày 14/3 năm nay thành công một phần khi tầng trên một lần nữa chạm tới không gian, nhưng không thể trở về mặt đất nguyên vẹn.
Trong chuyến bay tiếp theo vào ngày 6/6, tầng trên đạt độ cao hơn 200 km và di chuyển với tốc độ hơn 27.000 km/h. Cả tầng đẩy lẫn tầng trên đều hạ cánh nhẹ nhàng xuống biển.
Chuyến bay thứ 5 hôm 13/10 là thử nghiệm tham vọng nhất tính đến nay, với tầng tên lửa đẩy Super Heavy quay trở lại bệ phóng và được tháp phóng Mechazilla bắt giữ an toàn bằng “đũa”. Trong khi đó, tầng trên Starship hạ cánh xuống Ấn Độ Dương.
Thu Thảo (Theo New Scientist)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/spacex-tiep-tuc-phong-ten-lua-starship-tuan-toi-4815445.html