Chính quyền nói gì về việc người dân lắp barrier ngăn xe vào ngõ nhỏ?

Nhiều tháng qua, người dân tại các ngõ 127, 155, 105 Nguyễn Trãi; ngõ 126, 144 đường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã lắp đặt rào chắn (barrier) vào khung giờ cao điểm buổi sáng để ngăn các phương tiện qua lại.

Chính quyền nói gì về việc người dân lắp barrier ngăn xe vào ngõ nhỏ?- Ảnh 1.

Người dân tự lắp barrier ở các ngõ nhỏ. Ảnh: Minh Hạnh

Theo người dân ở đây, các ngõ này trở thành lối tắt phổ biến cho các phương tiện muốn tránh ùn tắc và nhanh chóng lên cầu vượt Ngã Tư Sở. 

Tuy nhiên, tình trạng này đã gây ùn tắc trong các ngõ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. Việc đi tắt giúp giảm thời gian di chuyển, chỉ mất 2-3 phút để lên cầu, thay vì phải mất 15-20 phút nếu đi theo trục chính từ Thượng Đình rẽ sang Trường Chinh và quay đầu.

  • Luật sư nói gì về việc người dân lắp barie ngăn xe ở Hà Nội? ĐỌC NGAY

Từ năm 2022, người dân tự lập ra các chốt chặn barrier bằng sắt, đổ bê tông chắc chắn tại đầu ngõ. Những thanh chắn này có chiều cao khoảng 30-50 cm, có thể nâng hạ bằng khóa. Chúng được hạ xuống vào giờ cao điểm buổi sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút để ngăn xe máy, chỉ cho phép người đi bộ qua lại.

Anh N.M.T. cho biết đặc thù của các ngõ chỉ rộng từ 1 m – 1,1 m nên khi nhiều xe máy đi vào sẽ gây ách tắc. Trước đây, khi chưa có rào chắn, nhiều người đã sử dụng con đường này làm lối tắt, gây ùn tắc và ồn ào trong các ngõ, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân nơi đây. “Có những hôm các cháu học sinh không thể dắt xe ra ngõ để đi học, người dân không thể đi làm”- anh T. nói.

Chính quyền nói gì về việc người dân lắp barrier ngăn xe vào ngõ nhỏ?- Ảnh 2.

Ngõ được khoá vào những giờ cao điểm

Trong khi đó, phản đối việc lắp barrier, bà T., một cư dân sống trong ngõ 126 Thượng Đình, cho biết nhiều phụ huynh có con em đi học sớm thường chọn đi đường tắt qua các ngõ để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, hiện nay họ phải sắp xếp thời gian đi sớm hơn để tránh giờ barrier đóng lại, hoặc phải thay đổi lộ trình ra trục đường chính Nguyễn Trãi, mất thêm khoảng 15-20 phút di chuyển. “Chính vì lý do này, nhiều hộ dân chưa đồng tình với việc lắp đặt barie”- bà T. nói.

Trước vấn đề này, ông Trần Phan Mỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình, cho biết việc người dân lắp barrier để chặn xe là hành vi không đúng quy định của pháp luật và chính quyền địa phương không ủng hộ hành động này. Tuy nhiên, nếu không có barrier, hàng ngàn người dân trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng.

Chính quyền nói gì về việc người dân lắp barrier ngăn xe vào ngõ nhỏ?- Ảnh 3.

Chính quyền và người dân đang tìm giải pháp đảm bảo đúng pháp luật

“Vào giờ cao điểm, các ngõ nhỏ rất đông người dân đi xe máy vào dẫn đến ùn tắc cục bộ khiến người dân trong ngõ không ra ngoài được, trẻ em muộn học. Trước đây chính quyền cũng đã phân công lực lượng công an phường chốt hướng dẫn giao thông, nhưng lực lượng không xuể bởi con người có giới hạn. Khi kêu gọi lực lượng bảo vệ tổ dân phố đứng đầu các chốt hướng dẫn người dân đi thẳng thì một số lại bức xúc, chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng”- ông Mỹ nói.

Theo ông Mỹ, người dân đã tổ chức họp trong khu dân cư và tổ dân phố nhiều lần. Đầu năm 2022, khu phố đã họp thống nhất và lập ra barrier chốt chặn “người dân cực chẳng đã không còn cách nào khác”.

Ông Mỹ cho hay vào tuần tới, địa phương sẽ cùng các cơ quan chức năng, người dân tìm ra giải pháp để thực hiện đúng pháp luật mà vẫn đảm bảo việc đi lại an toàn cho người dân. Hiện tại, từ bí thư chi bộ tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố đều có chung nguyện vọng giữ lại barrier để người dân đỡ khổ trong khi chờ phương án mới.

Về vấn đề pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường… UBND các cấp tổ chức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương; bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.

UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong phạm vi địa phương.

“Việc người dân dựng rào chắn, barrier hay công trình khác trên đường nhằm cấm, hạn chế phương tiện giao thông cần được sự cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông tại địa phương (UBND cấp xã/phường…). Giả sử, người dân thực hiện hành vi nêu trên mà không xin phép, gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật”- luật sư Bình nêu rõ.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có). Mức xử lý vi phạm hành chính tới 6 triệu đồng hoặc xử lý hình sự tới 10 năm tù giam.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/chinh-quyen-noi-gi-ve-viec-nguoi-dan-lap-barrier-ngan-xe-vao-ngo-nho-196241124131704595.htm