Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối tuần trước nhiều điểm mới về xét tuyển sớm (trước đợt xét tuyển chung của Bộ).
Đọc dự thảo, chuyên gia tuyển sinh ở nhiều trường bối rối. Họ cho rằng Bộ đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật bất hợp lý, vài điểm khó hiểu, khó khả thi.
Đầu tiên là giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu.
Hiện, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, gọi số trúng tuyển nhiều hơn khoảng 0,5-2 lần để có thể tuyển đủ.
“Thí sinh đăng ký xét sớm thường nộp vào nhiều trường, kể cả những em thuộc diện tuyển thẳng nên có tỷ lệ ảo nhất định”, trưởng phòng Đào tạo một đại học ở phía Nam lý giải.
Còn đại diện một trường kinh tế ở Hà Nội nhìn nhận nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung (thường vào tháng 7), gây hỗn loạn, dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu.
PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nha Trang, cho rằng việc giới hạn xét tuyển sớm còn tác động lớn đến thí sinh.
“Khi các trường không được gọi trúng tuyển sớm nhiều như trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn”, ông nói.
Dự kiến thứ hai khiến nhiều người thắc mắc là yêu cầu điểm trúng tuyển xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn đợt xét chung của Bộ. Ngoài ra, điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức.
Một chuyên gia tuyển sinh ở Hà Nội hiểu điều này đồng nghĩa điểm chuẩn xét theo học bạ, thi đánh giá năng lực hay xét kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS…) ở đợt sớm phải bằng hoặc cao hơn điểm dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của Bộ.
“Nếu đúng như vậy thì vô cùng bất hợp lý vì các kỳ thi có độ khó khác nhau. Trong khi điểm chuẩn phụ thuộc vào độ khó và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức”, ông nói.
Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ có mục đích chính là xét tốt nghiệp, được cho có độ phân hóa thấp, tỷ lệ đỗ luôn đạt khoảng 98-99% trong 10 năm qua. Còn đề thi đánh giá tư duy, năng lực có độ khó cao hơn hẳn.
Ông còn ví von nếu một ngành lấy điểm chuẩn tốt nghiệp lên tới 29, 30 như nhiều năm thì thí sinh xét bằng điểm SAT (chứng chỉ quốc tế dùng phổ biến trong tuyển sinh đại học Mỹ) phải đạt tuyệt đối 1600/1600 – là điều vô lý. Hiện, ở mức 1520, thí sinh đã lọt top 1% cao nhất thế giới.
“Việc quy đổi không khó nhưng tạo ra sự rối rắm, phức tạp, gây khó hiểu cho thí sinh”, ông nhận định.
Theo vị này, dù hiểu theo cách nào, việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ trong 20% sẽ đẩy điểm chuẩn lên cao, đúng với tiêu chí chọn được học sinh có thành tích vượt trội. Nhưng nếu lấy cao quá, các trường sẽ vào thế khó vì mức đầu vào đó không được thấp hơn đợt xét tuyển chung của Bộ.
“Đưa ra các quy định trên có lẽ nhằm giảm xét tuyển sớm”, ông nhìn nhận.
Đại diện một trường khác ở Hà Nội có cùng suy nghĩ, cho rằng các quy định này ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, quyền tự chủ của nhiều trường.
Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra một số điểm chưa rõ ràng trong dự thảo của Bộ, như tổ hợp xét tuyển theo cách chọn môn ở chương trình giáo dục phổ thông mới; quy đổi điểm chuẩn thế nào với những thí sinh được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển khi có giải quốc gia, cấp tỉnh và thành tích học thuật, hoạt động xã hội…
Dù vậy, đại diện nhiều trường đánh giá dự thảo quy chế tuyển sinh có một số điểm tích cực, như yêu cầu sử dụng điểm cả năm lớp 12 khi xét học bạ, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Mỏ – Địa chất, cho rằng như vậy học sinh không lơ là trong những tháng cuối cấp, đảm bảo chất lượng giáo dục như định hướng của Bộ.
Ông Tô Văn Phương cũng đánh giá quy định trên hợp lý, đảm bảo tính thống nhất giữa các trường, tạo sự công bằng cho thí sinh.
Đến nay, một số trường đại học đã công bố định hướng tuyển sinh năm 2025, cơ bản giữ ổn định về phương thức và phân bổ chỉ tiêu. Trước dự thảo của Bộ, nhiều trường dự kiến họp bàn ngay đầu tuần để góp ý tới Bộ, lên các phương án thay đổi kế hoạch tuyển sinh.
Các trường cũng cho rằng dù có thay đổi theo hướng nào, Bộ không nên áp dụng ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2025 bởi hiện tại, cả trường đại học và học sinh đều đã có sự chuẩn bị nhất định.
“Bất kỳ thay đổi đột ngột nào vào lúc này cũng khiến các bên bị động”, một chuyên gia nói.
Bộ Giáo dục nói gì về dự kiến siết xét tuyển sớm
Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Các phương thức chủ yếu là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS…) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%).
Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhìn nhận xét tuyển sớm có những ưu điểm nhất định. Trưởng phòng đào tạo của một trường đại học tại TP HCM cho rằng việc này giúp thí sinh giảm áp lực phải “dồn tất cả trứng vào một giỏ”, phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp.
Mặt khác, không ít trường, chuyên gia nhiều lần khẳng định kỳ thi tốt nghiệp không đủ tính phân hóa để xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao. Các phương thức xét tuyển sớm giúp giải quyết việc này.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, khi các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm, nhiều vấn đề lộ ra.
Ông lấy ví dụ những thí sinh không có thời gian, kinh phí thi chứng chỉ quốc tế, chỉ còn cách dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, trong khi chỉ tiêu cho phương thức này ngày càng ít, điểm chuẩn bị đẩy lên cao, gây mất công bằng.
Ngoài ra, nhiều phương thức không đảm bảo một chuẩn chung.
“Mỗi đề thi một kiểu, độ khó khác nhau. Chúng ta không thể so sánh được người đạt 26 điểm xét bằng học bạ với người đạt 26 điểm thi đánh giá năng lực hoặc thi tốt nghiệp là ai giỏi hơn vì không có chuẩn chung”, ông nói thêm.
Dương Tâm – Lệ Nguyễn – Thanh Hằng
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/dai-hoc-phan-ung-truoc-du-kien-siet-xet-tuyen-som-cua-bo-giao-duc-4819551.html