Sở Xây dựng TP HCM đề xuất nhà trọ ở thành phố muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu 5 m2 một người, hẻm rộng 4 m, cách đường chính không quá 100 m và có lối thoát nạn.
Tuy nhiên, ghi nhận của VnExpress cho thấy, nhiều dãy nhà trọ cho người lao động ở khu vực Bình Tân (gần công ty Pouyuen), dọc các đường Tỉnh lộ 10, Hồ Học Lãm, Tây Lân… đều có diện tích nhỏ (6-15 m2). Ngoài ra, điểm chung của các khu này là lối vào hẹp, khoảng 1m, đủ một người và xe máy lưu thông, không thể quay đầu xe. Nhiều lối đi ẩm mốc, xập xệ, làm hàng rào bên trên để phơi đồ.
Sô Phal – công nhân một công ty may mặc tại quận Bình Tân – cho biết căn phòng của cô ở cuối dãy trọ 10 căn (diện tích đều quanh 10-12 m2), trên đường Tây Lân, Bình Trị Đông A. Phòng thuê có giá 1 triệu đồng mỗi tháng, nếu tính cả điện, nước dao động 1,9-2 triệu. Bình quân mỗi người phải trả khoảng 600.000 đồng một tháng tiền thuê trọ.
“Chúng tôi thường đi làm đến hơn 21 giờ mới về, chủ yếu cần nơi tắm rửa và ngủ qua đêm nên phòng như vậy là ổn. Công nhân ở đây đều ở 3-4 người một phòng để tiết kiệm tiền”, Phal nói.
Thu nhập bình quân của Sô Phal là 9 triệu đồng (nếu ngày nào cũng tăng ca). Cô dành phần lớn tiền gửi về phụ giúp ba mẹ ở Trà Vinh trả góp các món đồ đã mua, còn lại để ăn uống, thuê nhà.
Chị Bé (phường Hiệp Thành, quận 12) đang sống chung với ba người khác trong căn trọ 15 m2, không có gác. Chị cho biết trước đây căn phòng này có tới 6 người ở, giờ đã về quê 2 người. Giá thuê phòng là 3 triệu đồng một tháng, chưa điện nước.
Không chỉ Phal hay chị Bé mà hiện nhiều công nhân, sinh viên đang thuê trọ trong những căn phòng chật hẹp vài m2 ở TP HCM.
Tại quận 12, các dãy trọ cũng mọc lên khá nhiều, đa số người thuê ở theo gia đình. Nhiều phòng trọ khoảng 12 m2, có gác xép, giá 1,4-1,6 triệu; phòng nhỏ hơn khoảng 1,1-1,2 triệu mỗi tháng. Các phòng này cũng có lối vào nhỏ (1,5-2 m), nhiều khúc cua.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một dãy trọ ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân cho biết hiện dãy trọ của bà có 130 phòng (9-12 m2), khoảng 280 người ở, trong đó nhiều gia đình có con nhỏ. Giá cho thuê mỗi phòng dao động 1-2 triệu đồng một tháng.
Bà cho biết có hai lối để vào dãy trọ, nhưng đều hẹp, rộng khoảng 1,8-2 m. Dẫu vậy, bà đều trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy ở từng phòng.
Khu vực gần làng Đại học Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng tập trung khá nhiều phòng trọ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên. Các phòng ở đây diện tích cũng nhỏ nhưng sinh viên thường chỉ ở một mình hoặc hai người một phòng nên không đến mức chật chội.
Ông Đức Tính – chủ một khu nhà trọ với 200 phòng ở Làng Đại học Thủ Đức – cho biết giá thuê dao động từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi phòng, tùy vào diện tích và cơ sở vật chất (máy lạnh, nội thất…). Giá thấp nhất là 800.000 đồng cho phòng 12 m2.
“Tôi không giới hạn người ở 1 phòng, vẫn có trường hợp phòng 12 m2 nhưng tới 3 người ở”, ông Tính nói.
Các trường hợp trên chỉ là số ít trong hơn một triệu lao động ngoại tỉnh đến thành phố làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp (không gồm sinh viên các trường đại học) đang sống ở các phòng trọ có diện tích bình quân khoảng 3 m2 một người. Theo khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM về nhu cầu nhà ở công nhân thực hiện những năm gần đây, 70% lao động tại các doanh nghiệp ở thành phố là người ở tỉnh, trong đó 50% cần chỗ ở, tương ứng 1,3 triệu người.
Trong số này, hầu hết sống ở các phòng trọ do hộ gia đình, cá nhân xây, cải tạo cho thuê. Diện tích trung bình mỗi phòng chừng 14 m2 với mức thuê bình quân 1,6 triệu đồng mỗi tháng và có khoảng 4 người cùng ở. Số khác thuê theo hình thức hộ gia đình, mỗi tháng phải trả 2-3 triệu đồng. Công nhân dành 10-15% thu nhập để chi trả cho chỗ ở.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc đưa ra quy định diện tích sàn tối thiểu bình quân đầu người 5 m2 sẽ giúp giới hạn số người trong mỗi phòng và số phòng của mỗi nhà trọ. Điều này sẽ đảm bảo số lượng người tập trung không quá lớn, giảm nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, tai nạn, ảnh hưởng tải sản, tính mạng.
Ngoài tiêu chí diện tích, Sở cũng đề xuất hẻm xây dựng nhà cho thuê trọ phải có chiều rộng tối thiểu là 4 m và cách đường chính không quá 100 m. Mọi phòng trong nhà phải đảm bảo có hành lang dẫn ra lối thoát nạn…
Tuy nhiên nhìn vào thực tế, rất nhiều phòng trọ trên địa bàn không thể đáp ứng điều kiện như đề xuất của Sở Xây dựng TP HCM.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố có khoảng 60.500 công trình nhà trọ tư nhân đang kinh doanh. Số này chia thành hai nhóm, gồm nhóm một là dãy phòng cho thuê độc lập có 34.800 công trình, với tổng số người thuê tối đa hơn 943.000 người. Nhóm hai là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê có 25.670 công trình, với số người thuê tối đa hơn 486.000 người.
Sau khi đối chiếu sơ bộ các tiêu chí của đề án, có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Trong đó khoảng 4.600 công trình chưa đáp ứng các tiêu chí về diện tích sàn bình quân tối thiểu và 8.200 công trình chưa đáp ứng tiêu chí về phòng cháy chữa cháy. Theo Sở Xây dựng, các nhà trọ này phải thực hiện việc chuyển đổi để đạt tiêu chuẩn quy định tối thiểu nếu muốn tiếp tục hoạt động.
Tại đề án này, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP HCM có chính sách hỗ trợ chủ nhà trọ vay lãi suất ưu đãi để cải tạo, nâng cấp cho đạt mức an toàn của quy định tối thiểu. Nếu chủ trọ có công trình không đảm bảo điều kiện tối thiểu mà có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, thành phố hỗ trợ vay vốn.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, cho rằng việc chuẩn hóa nhà trọ với các tiêu chí như diện tích, độ rộng đường, an ninh phòng cháy chữa cháy là cần thiết. Điều này đảm bảo an toàn cho người thuê trọ, đặc biệt công nhân lao động, phần nào giúp họ có cuộc sống thoải mái.
Dẫu vậy, bà băn khoăn khi đối chiếu sơ bộ các tiêu chí của đề án, có khoảng 12.800 nhà trọ (chiếm tỷ lệ 21%) không đủ điều kiện an toàn để tiếp tục hoạt động. Điều này có nghĩa nguồn cung nhà trọ trên địa bàn sẽ giảm mạnh, 21% nhà trọ dừng hoạt động tức cũng sẽ có tương đương số người phải tìm kiếm chỗ ở mới. Khi nguồn cung giảm, giá phòng sẽ tăng.
Theo bà Vân, nhóm công nhân lao động thu nhập thấp ở các khu công nghiệp, vùng ven, tập trung đông nhà máy sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nhóm này thu nhập không cao nên thường xuyên tìm nhà trọ giá rẻ, chấp nhận ở chật hẹp để tiết kiệm.
“Kết hợp hai yếu tố nguồn cung giảm, giá tăng sẽ tạo áp lực lớn đến nhóm công nhân thu nhập thấp”, bà nói.
Điều này cũng đã được Phal chia sẻ, nếu phải dọn sang phòng khác rộng hơn, cô và người nhà phải chi ít nhất 1,5-2 triệu hàng tháng, nếu tính điện nước sẽ là 2,4-2,9 triệu đồng, nhiều hơn 1 triệu so với hiện tại.
“Tôi đã tính toán kỹ tiền lương dùng vào việc gì, phân chia như thế nào. Nếu phải dọn qua phòng lớn hơn, chắc chắn dự định của tôi sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, tôi khó có thể trụ được ở thành phố này”, Phal lo lắng.
Quang Đạt, chủ dãy trọ ở quận Bình Tân, cách khu công nghiệp Pouyuen 10 phút đi bộ cũng nói đa số khách thuê chỗ anh là công nhân thu nhập thấp, mỗi người sẽ chi khoảng 600.000 đồng mỗi tháng cho tiền trọ.
“Nếu quy định mới được áp dụng, phòng trọ của tôi sẽ phải cố gắng tính toán lại để không ảnh hưởng lớn đến mấy công nhân đang thuê”, anh Đạt nói.
Trước thực trạng này, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất – công nghiệp TP HCM, đề nghị song song với chuẩn hóa nhà trọ là cần có các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo ra nhiều chỗ ở an toàn cho người lao động.
Bà Vân cũng nói rằng lâu nay nhà ở cho công nhân gần như dựa vào nhà trọ tư nhân, khu lưu trú của doanh nghiệp hoặc xã hội hóa. Tuy nhiên nhiều khu trọ chật hẹp, diện tích nhỏ thường được xây dựng từ những ngày đầu khi các khu công nghiệp được thành lập, khi chưa có quy chuẩn rõ ràng, khu lưu trú chưa được quan tâm đầu tư cải tạo.
“Điều này phần nào mang tính lịch sử. Vì vậy, khi chuẩn hóa rất cần hỗ trợ họ chuyển đổi với các chính sách vay vốn dễ tiếp cận, lãi suất ưu đãi”, bà Vân nói.
Bình Nghi – Lê Tuyết