Ít người biết, để có thể cho ra thị trường những chậu bưởi cảnh, người trồng cần phải bỏ ra 4 năm trồng và chăm sóc. Trồng bưởi cảnh đòi hỏi người trồng có kỹ thuật cao và có lòng kiên nhẫn, tính tỉ mỉ gấp nhiều lần so với trồng bưởi truyền thống.
Giá trị của cây bưởi cảnh đem lại cũng tương xứng với công sức và thời gian mà mỗi nhà vườn bỏ ra. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến nhu cầu thị trường về cây bưởi cảnh rất lớn. Lượng cung cấp của các nhà vườn vẫn chưa đáp ứng đủ. Tuy nhiên người tiêu dùng sau khi mua trưng tết xong đều không biết chăm sóc đúng kỹ thuật để có thể tái sử dụng sang năm sau. Đây là điều rất lãng phí.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, Thạc sĩ, nghiên cứu viên chính – Trung tâm tài nguyên thực vật cho rằng, điều quan trọng nhất để cây tập trung dinh dưỡng nuôi cây thì sau tết, trước khi đưa cây xuống đất thì bạn cần vặt hết phần quả trên cây để mọi chất dinh dưỡng cây hút lên từ đất chỉ để nuôi thân cây mà không cần phải nuôi phần quả nữa. Ngoài ra cần bỏ phần cành ốm yếu, sâu bệnh.
Thông thường bưởi cảnh khi được bày bán sẽ được trồng trong chậu, vì vậy, nếu muốn cây bưởi được tiếp thêm dinh dưỡng thì cần đưa cây bưởi ra khỏi chậu và trồng nó xuống đất.
Bà Xuyến cho biết cần chuẩn bị đất để trồng cây, có thể trộn đất với phân chuồng, vỏ trấu, phân hoai mục…, phơi đất khoảng 7-10 ngày để xử lý diệt mầm bệnh. Lưu ý chọn đất ở chỗ có khả năng thoát nước tốt, độ PH từ 5,5 đến 6, có ánh sáng đầy đủ để cho cây sinh trưởng.
Sau đó đào hố đưa cây xuống đất và lấp đất lại tưới nước hàng ngày đảm bảo độ ẩm cho đất.
Kỹ sư nông học bày cách bón bưởi?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuyến lưu ý các gia chủ không sử dụng bất kỳ loại phân đạm vô cơ nào tưới cho cây. Vì nếu sử dụng cây dễ bị sót phân gây héo dẫn đến chết cây.
“Bón phân cho cây bưởi cảnh trên chậu chỉ sử dụng phân bón hữu cơ như phân chuồng hoai mục, phân đậu tương, …”- bà Xuyến cho hay.
Liều lượng và cách thức bón: Cứ 4 – 5 ngày tiến hành bón nước phân hữu cơ cho cây/lần, mỗi gốc tưới từ 100 – 200 ml. Khoảng 7 – 10 ngày bón phân khô/lần, 200 gram/gốc.
Sau 3 tháng thì bón phân NPK 16-16-8, liều lượng 20 – 30g/lần, tháng 1 lần, sau tăng lên 50g/lần, khi cây trên một năm tuổi bón 100g/lần, bón quanh chậu để tăng thêm chất dinh dưỡng cho cây.
Chăm sóc bưởi trồng trên chậu ra sao?
Do cây bưởi trồng trên chậu nên chỉ giữ được một lượng nước nhất định. Cần duy trì độ ẩm trên chậu từ 70 – 75% để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.
Đối với thời tiết mát mẻ không mưa có thể tưới 1 ngày/lần. Thời điểm nắng nóng tiến hành tưới ngày 2 – 3 lần.
Hiện nay nhiều nhà vườn đã đang áp dụng hệ thống tưới thông minh, tưới nhỏ giọt từ gốc bưởi có thể tiết kiệm được lượng nước tưới đến 50% và kiểm soát được lượng nước tưới đến từ chậu. Đây là phương pháp tiết kiệm được công chăm sóc rất hiệu quả.
Tỉa cành, tạo tán mới, chuẩn bị ra hoa và quả năm sau
Khi cây chuẩn bị ra hoa thì bạn cần cắt tỉa bớt những cành đan chéo nhau, những cành không có khả năng ra trái. Đồng thời không quên bón phân cho cây để thêm phần dinh dưỡng cho khả năng đậu trái của cây được cao hơn.
Khi bưởi đã ra trái thì bạn đừng quên bọc trái bằng túi nilon để ngăn các loài côn trùng, sâu và ruồi đục trái.
Cách chăm sóc bưởi Diễn sau Tết
Sau thời gian thu hoạch rộ dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán, bưởi Diễn đang đâm chồi, ra hoa. Đây là thời điểm phù hợp để người dân chăm sóc giúp cho cây phát triển tốt, đảm bảo năng suất, sản lượng quả trong những vụ tiếp theo.
Sau mỗi mùa thu hoạch cây bưởi Diễn thường có rất nhiều cành lá khô còn trên cây, cũng như rụng xuống, nếu không được xử lý sẽ tạo điều kiện để sâu bệnh tấn công.
Tiếp theo cần cắt tỉa cành và tạo tán, đây là công việc cực kỳ quan trọng khi chăm sóc bưởi Diễn sau thu hoạch. Không đơn giản chỉ là loại bỏ những mầm mống sâu bệnh, nó còn giúp cây tăng khả năng quang hợp, tập trung dinh dưỡng nuôi cành, mang hoa, làm năng suất thu hoạch ổn định và quả có mẫu mã đẹp hơn.
Loại bỏ những cành khô, cành không có lá, cành cựa, cành không có lá, cành sâu bên trong tán cây và cuống quả còn thừa khi thu hoạch xong.
Những cành sâu bệnh cũng nên cắt đi tránh để lây lan, trường hợp cành chính, quá lớn thì nên kết hợp xử lý bằng biện pháp thủ công và hóa học.
Lưu ý: dùng kéo sắc chuyên dụng cho cành nhỏ, với cành lớn phải dùng cưa, cắt dứt khoát không làm tước vỏ, kết thúc thì nên quét nước vôi lên bề mặt. Ngoài ra nên tránh tiến hành vào ngày mưa, để tránh nấm bệnh tấn công vào vị trí mới cắt.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/cham-soc-buoi-canh-sau-tet-the-nao-de-nam-sau-qua-sai-triu-trit-post1715003.tpo