Theo Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, đến năm 2025, cả nước cần hoàn thành 428.000 căn. Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, mặt bằng giá căn hộ lên cao, nhà ở xã hội cũng đang được coi như một trong những giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ nguồn cung, hạ nhiệt giá nhà tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết địa phương có nhu cầu cao về nhà ở như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đều vẫn loay hoay khi gặp nhiều vướng mắc trong việc hiện thực hóa mục tiêu được giao. Thậm chí, từ năm 2021 đến nay, một số địa phương chưa khởi công hoặc chưa hoàn thành được một dự án nhà ở xã hội nào như Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Long An…

Tại một sự kiện với lãnh đạo TP HCM hồi tháng 5, một đại diện công nhân nói rằng “nhà ở xã hội chỉ có trên tivi”, không biết dự án ở đâu, vay vốn thế nào. Trước ý kiến này, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận nguồn cung phân khúc nhà ở này không nhiều do các dự án vướng về thủ tục, quỹ đất, hay lợi nhuận chưa hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia.

Tương tự, Hà Nội hai năm gần đây cũng chỉ có một dự án nhà xã hội ở quận Nam Từ Liêm được mở bán và khởi công một dự án quy mô 280 căn hộ tại huyện Mê Linh hồi cuối năm 2023. Trong khi theo nhiệm vụ được giao, thủ đô cần hoàn thành 18.700 căn nhà ở xã hội đến hết năm 2025. Trước thực trạng này, Chủ tịch Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành phải vào cuộc để khởi công ít nhất được một dự án nhà ở xã hội trước tháng 10.

Hiện chỉ có một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương bước đầu đạt được những kết quả tích cực về xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, Bắc Ninh đã hoàn thành và đang tiếp tục thực hiện 31 dự án với tổng số 22.000 căn hộ. Tỉnh này đặt mục tiêu trong ngắn hạn hoàn thành khoảng 21.000 căn hộ đến năm 2025.

Giá bán nhà ở xã hội tại Bắc Ninh thời gian qua bình quân khoảng 11 triệu đồng một m2, đã bao gồm thuế VAT, theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh. Trong chuyến thăm dự án nhà ở cho công nhân tại huyện Yên Phong năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị lấy Bắc Ninh làm mẫu, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các địa phương khác về phát triển nhà ở xã hội.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh, nhu cầu về nhà xã hội và nhà ở công nhận tại tỉnh hiện nay rất lớn khi có 12 khu công nghiệp tập trung với gần 400.000 công nhân, trong đó khoảng một nửa đến từ các địa phương khác.

Vì vậy, theo ông Dũng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để thu hút phát triển nhà ở xã hội như hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào của dự án. Ngoài việc dành quỹ đất 20% trong đồ án quy hoạch chi tiết với các khu nhà ở thuộc khu vực đô thị cấp I, II, III, Sở Xây dựng Bắc Ninh cũng bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội với các quy hoạch khác.

Thực tế, thiếu quỹ đất cũng chính là thách thức lớn nhất mà nhiều địa phương gặp phải khi phát triển nhà ở xã hội, do chưa tính toán chính xác cung – cầu, nguồn vốn đầu tư.

Hiện nay, Bắc Ninh cũng có Ban chỉ đạo Quản lý và phát triển nhà ở xã hội cấp tỉnh; cũng như các tổ công tác của tỉnh về quy hoạch – xây dựng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

[wpcc-element _tag=”source” data-srcset=”https://www.nhangiaphat.net/wp-content/uploads/2024/08/andong2-1720431477-1720431487-2768-1720431713.jpg 1x, https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2024/07/08/andong2-1720431477-1720431487-2768-1720431713.jpg?w=1020&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y9KTAEUbqNck6umc2LKrMg 1.5x, https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2024/07/08/andong2-1720431477-1720431487-2768-1720431713.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=b5hwLLHIY_RrrM7x61tGwg 2x” _close=”0″]

Một dự án nhà ở xã hội tại huyện An Dương, Hải Phòng bàn giao cách đây 3 năm với giá từ 368-884 triệu đồng một căn. Ảnh: Lê Tân

Còn Hải Phòng dự kiến có thể hoàn thành và đưa ra thị trường 80% trong tổng số 15.400 căn hộ nhà ở xã hội theo nhiệm vụ được giao đến năm 2025. Để cụ thể hóa những con số này, Phó chủ tịch Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ nói rằng thành phố ưu tiên khai thác tối đa khu đất sử dụng kém hiệu quả trong đô thị, các cơ sở sản xuất ô nhiễm cần di chuyển, khu nhà ở kém chất lượng. Về quy hoạch, Hải Phòng cũng chuẩn bị trước các định hướng cho hệ thống nhà ở xã hội trên toàn thành phố với quan điểm phải là một khu đô thị, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.

Bên cạnh các chính sách đã được quy định, Hải Phòng thực hiện thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, cũng như rút ngắn thời gian với các thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và bàn giao đất. Từ năm ngoái đến nay, Hải Phòng đã khởi công 7 dự án và đều đang được thi công với tiến độ rất khẩn trương để đảm bảo hoàn thành trong thời hạn 24 tháng.

Phó chủ tịch Hải Phòng chia sẻ thành phố cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân xóa bỏ thói quen “ở nhà mặt đất” và tư duy nhà ở xã hội dành cho đối tượng “yếu thế – thu nhập thấp”. “Việc này nhằm hình thành thói quen nhà ở xã hội là một phân khúc có chất lượng tốt và giá cả phù hợp với khả năng chi trả do có sự hỗ trợ từ nhà nước”, ông Thọ cho hay.

Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho biết Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết về đề án phát triển nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ.

Đề án này nhằm xây dựng các khu nhà ở xã hội với chi phí hợp lý, căn hộ có giá thành phù hợp, đảm bảo người dân đang sinh sống ở các chung cư cũ có khả năng mua được. Thành phố lên kế hoạch trong hai năm tới có thể giải quyết hết chỗ ở cho khoảng 5.700 hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ không thể cải tạo, sửa chữa.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần GHome – doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội, cũng nhận định Hải Phòng, Bắc Ninh đi đầu trong việc xây dựng loại hình sản phẩm này chính nhờ sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện của đội ngũ lãnh đạo. Cùng với đó, theo ông Nam, hai địa phương này cũng thành công nhờ sở hữu nhiều khu công nghiệp, có sự di dân cơ học lớn của người lao động đến từ các địa phương khác.

Chuyên gia này đánh giá chính sách hỗ trợ chi phí làm hạ tầng kỹ thuật bên trong hàng rào dự án của Bắc Ninh hay Bắc Giang giúp giảm bớt một phần giá bán nhà ở xã hội cho người dân.

Với Hải Phòng, ông Nam cho rằng nghị quyết về kết hợp xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ đã mang lại lợi ích kép với thành phố này. “Nó giúp bộ mặt đô thị Hải Phòng những năm gần đây tốt lên nhiều và đem lại quỹ nhà giá rẻ khá lớn cho người dân, cũng như người lao động tại đây”, Tổng giám đốc GHome chia sẻ.

Theo ông Nam, các địa phương khác không quyết tâm bằng, chưa có nghị quyết như trên nên thực hiện vẫn kém, điển hình là Hà Nội. Ông ví von thủ đô vẫn còn nhiều khu tập thể cũ như “mụn cóc” của bộ mặt đô thị mà chưa thể tháo gỡ.

Ngoài Hải Phòng và Bắc Ninh thì Bình Dương cũng đang tham vọng xây dựng số lượng nhà ở xã hội gấp đôi nhiệm vụ được Chính phủ giao với khoảng 155.000 căn chung cư, 5.000 nhà liền kề đến năm 2030.

Bình Dương dự kiến bố trí 470 ha đất với tổng mức đầu tư 84.800 tỷ đồng, ưu tiên nguồn vốn ngoài ngân sách. Thủ phủ công nghiệp phía Nam cũng đã giao Sở Xây dựng hoàn thiện bộ tiêu chí phát triển loại hình nhà cho thuê (nhà trọ) sang nhà ở xã hội. Theo đó, các cơ sở kinh doanh nhà trọ được tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cải tạo, nâng cấp khu nhà theo thiết kế mẫu để nâng cao chất lượng cuộc sống người thuê.

Thời gian qua, địa phương này cũng có một doanh nghiệp đi đầu cả nước về phát triển là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Sau chục năm triển khai, Becamex đã xây dựng được khoảng 47.500 căn nhà ở xã hội, đạt trên 70% kế hoạch. Sắp tới, doanh nghiệp này có thêm khởi công các dự án tại TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Anh Tú – Lê Tân