Ai dễ mắc cúm A/H1N1?

Ngày 26/11, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên trong bối cảnh Bình Định ghi nhận 9 ca mắc cúm A/H1N1, 4 ca tử vong trong một tháng qua.

A/H1N1 là một trong những chủng cúm lưu hành thường niên, từng gây ra đại dịch cúm năm 2009. Việt Nam mỗi năm ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu ca cúm mùa, trong đó khoảng 10% trường hợp dương tính với chủng cúm A/H1N1. Còn trên thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca nặng, 290.000-650.000 ca tử vong.

Virus cúm lây qua đường hô hấp, tấn công mạnh đến những nhóm có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, mắc bệnh mạn tính. Theo nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên trên 807 bệnh nhân cúm mùa xuất bản năm 2022, trẻ em và người trên 65 tuổi là hai nhóm có tỷ lệ nhiễm cúm cao nhất. Họ chủ yếu nhiễm cúm A (89,5%).

Ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thường được người lớn ẵm bồng, hôn hít, dễ nhiễm virus cúm qua giọt bắn từ khoang mũi, họng, nước bọt. Trẻ cũng có thể sờ, chạm vào đồ chơi, sàn nhà nhiễm trùng, từ đó nhiễm bệnh.

Còn người mắc bệnh nền, cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu dần không đủ chống lại tác nhân gây bệnh. Các nhóm này nguy cơ cao lây nhiễm A/H1N1 khi tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân hoặc cầm nắm vật dụng nhiễm virus.

Minh họa bệnh nhân nhiễm cúm, biến chứng viêm phổi. Ảnh: Vecteezy

Khi mắc cúm A/H1N1, nhóm suy giảm miễn dịch cũng dễ trở nặng thành biến chứng. Ở trẻ em và người trên 65 tuổi, virus có thể tạo điều kiện gây nhiễm trùng thứ phát như viêm phổi, dẫn tới nhiễm khuẩn huyết và tử vong. Ngoài ra, người cao tuổi thường mắc đồng thời nhiều bệnh nền như tiểu đường, suy thận, hen, phổi tắc nghẽn mạn tính… Virus cúm có thể làm trầm trọng thêm các bệnh nền sẵn có.

Ví dụ ở người tiểu đường, cơ thể sẽ tự sản xuất thêm glucose để cung cấp năng lượng chống lại nhiễm trùng. Đồng thời, cơ thể kích thích giải phóng các hormone làm giảm hiệu quả kháng insulin – có chức năng hạ thấp mức đường huyết. Những yếu tố này khiến mức đường huyết của người tiểu đường luôn ở mức cao, tức tích tụ quá nhiều axit trong máu, đe dọa tính mạng người bệnh.

Với thai phụ, mắc cúm có thể tăng nguy cơ viêm phổi, sảy thai, thai lưu và sinh non (chuyển dạ trước 37 tuần). Trong đó, viêm phổi là biến chứng thường gặp, phải điều trị thở máy, dùng kháng sinh liều cao, ảnh hưởng đến sự an toàn của mẹ và bé.

Virus cúm A(H1N1) được tái tổ hợp gen từ virus cúm ở lợn, chim và người. Cấu trúc này tạo điều kiện cho virus thích nghi và lây lan từ người sang người, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Virus có thể lây truyền từ một ngày trước khi khởi phát triệu chứng và kéo dài đến 7 ngày sau khi có biểu hiện bệnh.

Thông thường, người mắc cúm sẽ khỏi sau khoảng một tuần chăm sóc, điều trị. Tuy vậy, người nhiễm cúm A/H1N1 vẫn có tỷ lệ trở nặng, nguy kịch sau khi mắc bệnh. Các bệnh nhân này đa phần chưa được điều trị đúng, hoặc chủ quan không khám bệnh, dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết…

Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo không nên coi thường bệnh cúm. Người bệnh cần đi khám khi có biểu hiện nhiễm cúm như: sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan ở ngày thứ 2-3 hoặc cảm thấy mệt hơn, khó thở… Bệnh nhân chú ý áp dụng biện pháp tránh lây nhiễm, nghỉ ngơi, uống nhiều nước và điều trị các triệu chứng theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Người lớn tuổi tiêm ngừa cúm tại VNVC. Ảnh: Mỹ Ngọc

Để phòng bệnh, bác sĩ Chính khuyến cáo không tiếp xúc người có triệu chứng cúm. Người dân giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt ở bàn tay và vùng đầu, mặt, cổ; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người…

Người dân nên tiêm phòng cúm để chủ động bảo vệ sức khỏe. Vaccine hiện hành giúp bảo vệ cơ thể trước bốn chủng cúm phổ biến như A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria. Lịch tiêm gồm hai mũi, cách nhau tối thiểu một tháng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm vaccine cúm. Người từ 9 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi.

Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ mẹ, truyền kháng thể cho con trong 6 tháng đầu (khi trẻ chưa đến tuổi tiêm ngừa cúm). Khi mang thai, thời điểm tiêm tốt nhất là 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Mỗi người nên tiêm nhắc lại hàng năm để phòng những chủng cúm lưu hành và thay đổi theo từng năm.

Theo bác sĩ Chính, vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh đến 90%. Ở thai phụ, việc tiêm phòng cúm giúp giảm 40% nguy cơ nhập viện, giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi nhập viện do cúm. Ở người cao tuổi, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong có liên quan đến cúm.

Văn Hà

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/ai-de-mac-cum-a-h1n1-4820691.html