Trong phiên giao dịch 26/11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu trên kênh OMO với khối lượng 20.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, có 15/15 thành viên tham gia trúng thầu toàn bộ 20.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước chào thầu.
Như vậy, trong 1 tháng qua, gần như toàn bộ lượng OMO mà Ngân hàng Nhà nước chào thầu đều được các ngân hàng ôm trọn với số lượng lớn thành viên tham gia.
Điều này cho thấy nhu cầu hỗ trợ thanh khoản của hệ thống ngân hàng là tương đối lớn. Các ngân hàng không còn mặn mà với kênh hút tiền qua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng trúng thầu mỗi phiên chỉ vài trăm tỷ đồng, dù lãi suất đã tăng lên 4%/năm.
Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cho các ngân hàng vay qua kênh OMO. |
Trong bối cảnh các ngân hàng đẩy mạnh vay nóng và hạn chế mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, tổng lượng OMO lưu hành trên kênh cầm cố đã tăng lên gần 78.000 tỷ đồng vào cuối phiên 26/11, trong khi đó lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn 17.450 tỷ đồng. Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đang ở trạng thái bơm ròng gần 60.550 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, điểm đáng lưu ý về hoạt động trên thị trường mở trong tháng 11 chính là số thành viên tham gia, trúng thầu ở kênh cho vay cầm cố luôn ở mức cao.
Trên thị trường 1 (lãi suất huy động người dân và tổ chức), lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh tăng mạnh hơn tháng trước.
“Áp lực tỷ giá tiếp tục tăng trong tháng 11, tuy nhiên theo quan sát, Ngân hàng Nhà nước không phải bán ngoại tệ như tháng trước, có thể do nhu cầu ngoại tệ không quá lớn. Vì vậy, lý do thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp trong tháng 11/2024 phần nhiều vẫn là do nhu cầu vốn trong giai đoạn cuối năm”, nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB cũng cho biết lãi suất liên ngân hàng tăng cao đã phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản. Theo MBS, việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu và Kho bạc Nhà nước rút hơn 4,5 tỷ USD từ ba ngân hàng lớn trong quý III là yếu tố khiến áp lực thanh khoản tăng cao.
“Mặc dù Ngân hàng Nhà nước có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ như bơm tiền qua kênh OMO, lãi suất qua đêm vẫn ở mức trên 5%, cho thấy áp lực đáng kể trong hệ thống”, MBS nhận định.
MBS cho rằng diễn biến nói trên là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản. Các chuyên viên phân tích của MB dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ thêm 0,2% vào cuối năm nay.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/ly-do-ngan-hang-dua-nhau-vay-nong-post1695344.tpo