Ngày 28/11, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan – mật – tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, thêm rằng không phải loại sỏi cũng có thể dùng thuốc tan sỏi. Người bệnh tự ý dùng sản phẩm tan sỏi không có hiệu quả mà còn lỡ mất thời gian điều trị.
Sỏi mật được chia làm hai loại là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố. Chỉ định điều trị tùy từng loại, kích thước, vị trí sỏi. Bác sĩ cần làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Biện pháp dùng thuốc tan sỏi thường chỉ áp dụng với trường hợp sỏi cholesterol kèm theo kích thước nhỏ (dưới 15 mm), chưa có triệu chứng hay gây ra biến chứng, chưa vôi hóa, chức năng túi mật còn tốt và ống dẫn mật không bị tắc nghẽn. Sỏi sắc tố khó tan khi dùng thuốc.
Các thuốc tan sỏi hiện nay thường được dùng như axit ursodeoxycholic, axit chenodeoxycholic… Đây là thành phần sinh lý dịch mật, có tác dụng hòa tan sỏi cholesterol, từ đó làm thay đổi tỷ số phospholipid và axit mật trên cholesterol. Quá trình điều trị bằng thuốc tan sỏi đòi hỏi người bệnh phải kiên trì sử dụng thuốc trong thời gian dài.
Thông thường người bệnh có sỏi mật được chỉ định dùng thuốc tan sỏi phải dùng rất lâu (trên hai năm) nhưng tỷ lệ đáp ứng với thuốc tan sỏi thấp, chỉ khoảng 15-30%, theo bác sĩ Khánh. Một số trường hợp có thể điều trị hiệu quả với thuốc tan sỏi, tuy nhiên sau khi ngưng thuốc thì tỷ lệ tái phát cao. Sử dụng thuốc điều trị tan sỏi có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, chướng bụng, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, viêm gan.
Như bà Linh, 55 tuổi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu trong tình trạng đau quặn bụng, sốt lạnh run. Bà được chẩn đoán sỏi mật cách đây hai năm, tự uống thuốc, thực phẩm chức năng tan sỏi và không khám định kỳ.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy mức độ nnhiễm trùng huyết CRP 87 mg/l, cao hơn 15 lần bình thường. Chụp cộng hưởng từ (MRI) bụng ghi nhận giãn đường mật trong và ngoài gan. Ống mật chủ giãn 17,5 mm, gần gấp ba lần bình thường. Đoạn cuối ống mật có nhiều sỏi kích thước hơn 15 mm. Túi mật căng to, phù nề, có sỏi nhỏ trong lòng túi, kèm thâm nhiễm mỡ xung quanh.
Bác sĩ Khánh chẩn đoán bà Linh gặp biến chứng nặng gồm nhiễm trùng huyết, viêm túi mật, viêm đường mật cấp do sỏi ở túi mật và ống mật chủ. Người bệnh cần phẫu thuật loại bỏ sỏi sớm, phòng ngừa biến chứng hoại tử túi mật gây viêm phúc mạc mật và sốc nhiễm trùng nặng đường mật.
Bà Linh được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt túi mật và mở ống mật chủ để lấy sỏi. Sau mổ vài ngày, sức khỏe bà dần hồi phục, có thể đi lại và ăn uống, xuất viện sau ba ngày.
Tương tự, bà Bích, 70 tuổi, Tây Ninh, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cấp cứu trong tình trạng đau quặn bụng từng cơn dữ dội kèm sốt cao. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc nhiễm trùng do viêm túi mật cấp (có nhiều sỏi), cần phẫu thuật cắt túi mật, đồng thời phải điều trị tích cực. Sốc nhiễm trùng là biến chứng nguy hiểm nhất của sỏi mật, có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Sau một tuần điều trị, sức khỏe bà Bích ổn định. Bà Bích cho biết cách đây ba năm đi khám sức khỏe tổng quát phát hiện sỏi túi mật, kích thước nhỏ. Sau đó, bà tự mua thuốc tan sỏi uống, không có triệu chứng đau, nghĩ sỏi đã tan nên cũng không tái khám định kỳ.
Bác sĩ Khánh cho biết sỏi mật khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh lành tính nhưng nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như tắc nghẽn ống mật, nhiễm trùng huyết, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc, chảy máu đường mật, viêm tụy cấp, áp xe gan mật, sốc nhiễm khuẩn đường mật… Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật nội soi cắt túi mật, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi, phẫu thuật nội soi mở ống mật chủ lấy sỏi, lấy sỏi qua đường hầm ống Kehr kết hợp tán sỏi bằng laser.
Sỏi mật ở giai đoạn đầu không có triệu chứng. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Phòng sỏi mật bằng cách ăn uống vệ sinh, khoa học, ưu tiên chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc, chất béo tốt từ nguồn thực phẩm tốt như dầu cá, dầu ô liu. Hạn chế ăn tinh bột, đường và chất béo không bão hòa. Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút một ngày, 5 ngày trong một tuần. Không nhịn ăn và giảm cân quá nhanh.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bien-chung-do-tu-dung-thuoc-tan-soi-mat-4821302.html