Đầu tháng 11, không khí vắng lặng bao trùm công trường thi công cống Bến Nghé (quận 1, 4). Hạng mục này đã hoàn thành 97%, nhưng các hoạt động thi công đang dừng. Tương tự, 5 cống kiểm soát triều khác của dự án gồm: Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, cũng tạm ngưng khi khối lượng đạt 86-93%.
Hệ thống cống khổng lồ này cùng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn dài 6 km (hiện đã xong khoảng 85%) thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn một). Công trình triển khai theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam là nhà đầu tư, khởi công từ năm 2016.
Dự án dự kiến hoàn thành năm 2018 nhằm kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Tuy nhiên, suốt 6 năm qua, công trình vẫn nằm phơi mưa phơi nắng, trong khi tình trạng ngập úng do triều ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực quận 7, Nhà Bè.
Phát biểu tại Quốc hội hôm 26/10, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được Tổng Bí thư Tô Lâm “điểm danh” là một trong những điển hình của sự lãng phí. “Phải làm thế nào chứ để mãi như vậy là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng cũng là tội lãng phí”, ông nói.
Một loạt vướng mắc
Theo cơ quan chức năng,ngay từ đầu dự án có một số thiếu sót về thủ tục pháp lý. Với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, công trình này thuộc nhóm A, trong đó thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn nhà nước tham gia là Thủ tướng. Tuy nhiên, năm 2016 dự án đã triển khai khi mới được Thường trực Chính phủ chấp thuận chủ trương, mà chưa có quyết định phê duyệt.
Ngoài ra, dù chưa có quy định cụ thể tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất và tiền, việc UBND TP HCM ký hợp đồng với nhà đầu tư theo tỷ lệ giá trị quỹ đất bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa phù hợp.
Sau hai lần tạm ngưng năm 2018 và 2019, từ tháng 11/2020 tới nay công trình tiếp tục dừng do hết thời gian thực hiện hợp đồng BT, hết hạn giải ngân tái cấp vốn. Dự án tạm ngưng, chưa nghiệm thu, vướng pháp lý nên TP HCM chưa thể thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, nhiều năm qua nhà đầu tư chưa có nguồn vốn trả nợ vay và tiếp tục thi công dù tiến độ chung đã đạt hơn 90%.
Trước đó, để hỗ trợ dự án, tháng 4/2021 Chính phủ ra nghị quyết số 40 chấp thuận cho thành phố tiếp tục thực hiện công trình theo cơ chế đặc thù, đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Tuy vậy, hơn ba năm nay dự án vẫn trong cảnh “đắp chiếu” dù TP HCM đã nhiều lần họp bàn với các bên liên quan tìm cách tháo gỡ vướng mắc.
Mỗi ngày phát sinh gần 2 tỷ đồng lãi vay
Theo nhà đầu tư, trong 8 năm triển khai, dự án phải dừng thi công ba lần, tổng cộng 66 tháng. Việc này làm phát sinh lớn chi phí, trong đó chỉ riêng lãi vay mỗi ngày hơn 1,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp trên cho rằng dự án kéo dài do các vướng mắc mà nhà đầu tư không thể tự giải quyết, cũng không thuộc trách nhiệm của họ. Vì vậy, những phát sinh này cần được ghi nhận vào dự án bằng cách điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư.
Theo tính toán, lãi vay và các chi phí phát sinh khác làm tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng (theo tiến độ dự kiến hoàn thành cuối năm 2025). Ngoài ra, trong thời gian dừng thi công, trên công trường từng xảy ra tình trạng bị trộm mất 3.800 lít dầu, vật tư… gây thêm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trong công văn gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội mới đây, UBND TP HCM cho biết khó khăn lớn nhất ở dự án là không còn vốn để hoàn thành. Vướng mắc này xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV – đơn vị trung gian tiếp nhận nguồn vốn, tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho dự án không đủ cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để gia hạn giải ngân.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã thu nợ tái cấp vốn đối với BIDV 3.560 tỷ đồng, nên dù có được gia hạn thì nhà băng vẫn không thể tiếp tục giải ngân do dự án chưa được thanh toán.
Trước đó, TP HCM từng đưa ra phương án ủy thác ngân sách cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố (HFIC) để đơn vị này cho nhà đầu tư vay và hoàn thành các hạng mục còn lại. Tuy nhiên, cách này bị Bộ Tài chính đánh giá chưa phù hợp.
Một khó khăn khác là dự án kéo dài, phát sinh chi phí khiến tổng mức đầu tư vượt trên 10.000 tỷ đồng, trở thành dự án quan trọng quốc gia – phải do Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi quy định hiện hành chưa nêu rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang triển khai nhưng có thay đổi dẫn đến thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Vấn đề khác là cũng do vướng nhiều thủ tục pháp lý nên TP HCM hiện chưa có cơ sở để thanh toán hợp đồng BT cho nhà đầu tư.
TP HCM tiếp tục ‘cầu cứu’ Trung ương
Để tháo gỡ khó khăn, chính quyền TP HCM đề xuất Thủ tướng cho điều chỉnh tổng thể dự án bởi tổng mức đầu tư đã thay đổi, thời gian thực hiện cũng đã hết. Tuy nhiên, việc này dự kiến tốn nhiều thời gian nên thành phố kiến nghị cho điều chỉnh các điều khoản thanh toán trong hợp đồng song song điều chỉnh tổng thể dự án.
Trước mắt, thành phố sẽ làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán. Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng, dự án sẽ cơ bản được khắc phục những thiếu sót của thời gian trước. Đây cũng chính là cơ sở để thành phố thanh toán bằng quỹ đất, giải quyết nguồn vốn cho nhà đầu tư hoàn thành công trình. Giải pháp này cũng giúp giảm lãi vay phát sinh trong khi chờ hoàn tất điều chỉnh dự án.
Về phía Trung Nam, doanh nghiệp kiến nghị chính quyền thành phố sớm thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, đồng thời thanh toán bằng quỹ đất cho dự án. Việc này giúp giảm nợ gốc, lãi vay, tạo nguồn tài sản để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng thi công hoàn thành công trình. Nhà đầu tư cũng cam kết nếu được thanh toán doanh nghiệp cần một tháng rưỡi để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho rằng các vướng mắc ở dự án trải qua nhiều thời kỳ, một số quy định cũng thay đổi. Nếu vận dụng luật và các văn bản dưới luật thì nhiều nội dung trong hợp đồng đã ký trước đây vẫn bị vướng. Do đó, việc điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu trong điều kiện hiện nay.
“Việc này có thể cần nhiều thời gian, nhưng sẽ chặt chẽ pháp lý để không gặp vướng mắc sau này”, ông nói.
Theo ông Thuận, song song với điều chỉnh dự án, cơ quan có thẩm quyền có thể tính đến phương án chuyển vai trò chủ đầu tư về Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 9 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là cơ quan chuyên ngành quản lý và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, xây dựng công trình thủy lợi, nên phù hợp triển khai, thẩm định kỹ thuật công trình.
“Quan trọng nhất là dự án có thực chất mang lại hiệu quả hay không, còn những vấn đề liên quan quy trình, thủ tục thì hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh”, ông Thuận nói.
Gia Minh
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/8-nam-trac-tro-cua-du-an-chong-ngap-10-000-ty-o-tp-hcm-4811651.html