Ứng dụng tiến bộ tăng giá trị nông nghiệp vùng Bắc trung bộ, Duyên hải miền Trung

Thông tin nêu tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc trung bộ và duyên hải Nam trung bộ năm 2024, tổ chức ngày 8/11 tại Quảng Bình. Hội nghị được tổ chức hai năm một lần nhằm đánh giá hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đánh giá hai năm qua hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng đã đạt được nhiều kết quả, có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng. Thông qua việc công bố Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 đã phản ánh được điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, trong đó Đà Nẵng là một trong 5 địa phương có điểm số dẫn đầu cả nước, khẳng định vai trò vị trí của trung tâm vùng.

Theo Thứ trưởng, vùng Bắc trung bộ và duyên hải Nam trung bộ đã tận dụng được thế mạnh của nhiều địa phương, đưa khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương được nâng cao chất lượng, tăng năng suất, tạo lập và phát triển thị trường, góp phần phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTTT

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết giai đoạn 2022 – 2024, các địa phương trong vùng đã thực hiện 1.176 nhiệm vụ nghiên cứu cấp tỉnh, cấp cơ sở, trong đó có 645 đang thực hiện, 540 đã nghiệm thu, đăng ký kết quả và 503 đã đưa vào ứng dụng.

Dẫn kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp ông Đạt, cho biết các nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống và phục tráng được một số giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và thích hợp với từng vùng sinh thái. Nhiều quy trình công nghệ cao, công nghệ mới trong thâm canh, sản xuất nông sản nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh được ứng dụng.

Như ở Nghệ An ứng dụng các thành tựu nghiên cứu giống có năng suất cao, chất lượng tốt như: Lúa thuần, ngô, lạc, đậu, sắn, chè, mía, chanh leo, lúa thảo dược, lúa địa phương, lúa Japonica J02. “Báo cáo của Nghệ An cho thấy, các nghiên cứu ứng dụng khoa ọc và công nghệ trong nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn tỉnh, tốc độ tăng trưởng của ngành giai đoạn 2016-2020 đạt 4,7%, giai đoạn 2021-2023 đạt 4,73%”, ông Đạt nói.

Ở Đà Nẵng ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất các giống cây trồng, nấm dược liệu; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tế bào, chỉ thị phân tử chọn tạo chủng giống nấm Đông trùng hạ thảo cho năng suất và chất lượng cao; Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi trồng tảo Haematococcus pluvialis hiệu quả cao…

Ninh Thuận đã triển khai 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ để lựa chọn một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như: Nho, táo, nha đam, tôm giống, măng tây để tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển thành các sản phẩm chủ lực.

Theo ông Đạt, nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trong đó có chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk ở Nghệ An; chăn nuôi bò sinh sản tạo con lai ba máu chuyên thịt tại huyện Hương Khê và Thạch Hà, Hà Tĩnh; Bình Thuận ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải thiện chất lượng đàn bò bằng các giống tinh ngoại nhập, nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai…

Các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương trong vùng giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: TTTT

Về nuôi trồng thủy, hải sản, nhiều địa phương đã chủ động được con giống. Tại Bình Định ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thương phẩm bán thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ Semi BioFloc theo hướng phát triển bền vững.

Phú Yên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình ương nuôi cá Chình hoa (Anguilla marmorata) giống và thương phẩm đạt năng suất và hiệu quả cao…

Ông Đạt nhìn nhận, kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ trong nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân. Thông qua các nhiệm vụ đã gắn kết được nguồn lực của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân, đặc biệt là nguồn lực của doanh nghiệp trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các nông sản chủ lực, có lợi thế của từng địa phương.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là vùng có diện tích chiếm gần 30% của cả nước; bờ biển dài gần 1.800 km (hơn 55% bờ biển cả nước – 3.260 km). Vùng có tiềm năng để phát triển kinh tế biển (thủy, hải sản, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… ); hạ tầng, logistic có nhiều thuận lợi (nhiều cảng biển, trong đó có các cảng nước sâu, nhiều sân bay (9 sân bay, trong đó có 3 sân bay quốc tế).

Minh Hoàng

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/ung-dung-tien-bo-tang-gia-tri-nong-nghiep-vung-bac-trung-bo-duyen-hai-mien-trung-4813698.html