Chiều 12/11, tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an, cho biết mức xử phạt hành chính với hành vi đưa tin giả, xúc phạm nhân phẩm tổ chức cá nhân hiện chưa đủ sức răn đe. Luật hiện hành cũng thiếu quy định mang tính định lượng để xác định, xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng chưa được làm rõ.
Trong khi đó, hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. “Chúng tôi kiến nghị có thể xử lý mà không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để đủ sức răn đe đối với những người vi phạm pháp luật”, lãnh đạo Bộ Công an nói.
Theo ông Quang, tin giả, tin sai sự gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế xã hội, chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu. Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến thời gian qua gồm tán phát, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân.
Các đối tượng lợi dụng tin giả, sai sự thật nhằm để câu view, câu like, thậm chí trục lợi và lừa đảo. Hệ lụy của tin giả ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản. “Có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán”, Bộ trưởng Công an báo cáo.
Ngành công an cũng phát hiện hành vi tạo lập, sử dụng hội nhóm gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ xúy những hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy, kích dục.
Đáng chú ý, nhiều người tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, chống đối lại lực lượng chức năng như Báo chốt 141, Thông chốt kiểm soát nồng độ cồn, bắn tốc độ hoặc Đối phó với lực lượng chức năng. Các hội nhóm trên mạng xã hội cũng được lợi dụng mua bán ngoại tệ, tiền giả, giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, sách báo, ấn phẩm bị cấm lưu hành, mua bán ma túy, mua bán vũ khí và vật liệu nổ.
Tướng Quang cho biết sẽ đấu tranh quyết liệt, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh, trật tự trên không gian mạng và mạng xã hội. Ông đề nghị các bộ ngành phản bác các quan điểm sai trái, nâng cao ý thức cảnh giác của người sử dụng mạng xã hội để tạo ra sức đề kháng đối với tin giả; vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên mạng xã hội.
Bộ Công an cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin với nguyên tắc “không để bất cứ tổ chức, một cá nhân nào đưa tin giả gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Nghị định 14/2022 thay thế Nghị định 15/2020 tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Cụ thể, việc tung tin giả, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cổ súy hủ tục, mê tín, bạo lực và các hành vi tương tự sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bo-truong-cong-an-xuc-pham-nhan-pham-nguoi-khac-phai-xu-ly-hinh-su-4815282.html