Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hoàn thành nội dung trả lời chất vấn của Quốc hội.

Phát biểu trước chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm, trả lời những vấn đề đại biểu quan tâm trong hai ngày qua, như phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo mức sinh thay thế, quy hoạch đất đai…

Ông cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.

Tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Nhiều đại biểu cho rằng đã tới lúc Việt Nam cần khởi động lại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. “Đây là vấn đề rất hệ trọng, chỉ có điện hạt nhân mới đảm bảo được nhu cầu năng lượng quốc gia”, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm.

Theo ông, việc phát triển điện hạt nhân là một trong những xu thế của thế giới. Một số quốc gia đóng cửa nhà máy điện hạt nhân nhưng đã khởi động lại do nhu cầu năng lượng tăng cao. Tuy vậy, việc tính toán phát triển lại điện hạt nhân cần đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường.

Trước đây, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định tại Nghị quyết của Quốc hội năm 2016. Năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế cũng từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, chiều 12/11. Ảnh: Media Quốc hội

Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, ban hành cơ chế, chính sách về mua bán điện trực tiếp; khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái; phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi, ven bờ; chính sách về điện rác, điện sinh khối. Chính phủ cũng chỉ đạo hoàn thành dự án đường dây truyền tải 500kV mạch 3 Quảng Bình – Hưng Yên; tích cực triển khai Quy hoạch điện VIII.

Thời gian tới, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết đã yêu cầu xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện. Các bộ ngành rà soát tháo gỡ các dự án điện tái tạo đã đầu tư có vướng mắc pháp lý; đảm bảo đủ hạ tầng, nhiên liệu cho sản xuất điện.

Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả để giữ đà, giữ nhịp, phấn đấu tăng trưởng GDP quý 4 đạt trên 7,5%, cả năm đạt trên 7%.

Quốc hội chất vấn

 
 
Quốc hội chất vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về việc phát triển hạ tầng chiến lược. Video: VTV

Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, nên được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, giải ngân còn chậm. 10 tháng qua, giải ngân đạt 52,29%; giải ngân vốn ODA đạt 27,88%. Có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Thủ tướng chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến tiến độ các dự án chậm trễ là do: thủ tục hành chính rườm rà, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, thiếu vật liệu xây dựng, năng lực quản lý dự án yếu kém và sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm và tình trạng né tránh trách nhiệm cũng là những vấn đề cần được giải quyết.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, xanh, bền vững. Thời gian tới, hạ tầng số, nhất là công nghệ vệ tinh, Internet vạn vật, sẽ được đẩy mạnh; xây dựng trung tâm công nghiệp kỹ thuật số, dữ liệu lớn, ứng phó khẩn cấp sự cố an ninh mạng; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.

Phiên chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Media Quốc hội

“Chính phủ sẽ xây dựng chính sách ưu đãi, kể cả ưu đãi tài chính để thu hút mạnh mẽ đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn; phát triển nguồn nhân lực số, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi; triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030”, ông cho hay.

Thủ tướng cho biết, sẽ bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; có chính sách đột phá trong tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các ngành động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…

“Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là hợp tác công – tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng đến chuẩn quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường. Sớm hoàn thành đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng nói.

Cần những công trình mang tính xoay chuyển tình thế

Sau phần báo cáo, các đại biểu nêu nhiều câu hỏi chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?

Lãnh đạo Chính phủ nói rằng phải có giải pháp bứt phá tăng trưởng, trong đó cần phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng số, giao thông, hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, đầu tư cho các động lực truyền thống như tiêu dùng, xuất khẩu. “Cần tạo ra đột phá về hạ tầng chiến lược với những công trình mang tính xoay chuyển tình thế, chứ không phải bình bình như hiện nay”, Thủ tướng nói.

Nguồn lực cho các dự án này gồm ngân sách nhà nước, địa phương, vốn vay và hợp tác công tư. Đồng thời, việc đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các dự án.”Mong Quốc hội ủng hộ các dự án lớn này, trong đó có đường sắt tốc độ cao, sân bay Long Thành giai đoạn hai”, ông nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội

Thủ tướng đã đưa ra bằng chứng về hiệu quả của việc tập trung nguồn lực cho các dự án lớn. Đó là chỉ trong ba năm, Việt Nam đã hoàn thành gấp đôi số lượng đường cao tốc, dù ban đầu cũng có những lo ngại về nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc giải quyết các dự án tồn đọng. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về một số dự án vẫn chưa được xử lý và tình hình của các tổ chức tín dụng yếu kém. Bà đề nghị Thủ tướng làm rõ nguyên nhân của những vấn đề này và đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời chia sẻ về tiến độ thực hiện trong thời gian tới?

Thủ tướng cho biết nhờ sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã có chủ trương xử lý. Bộ Chính trị đã đồng ý và Chính phủ sẽ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của mình.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và xử lý các dự án tồn đọng, đặc biệt chú trọng đến việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Đối với các vấn đề vượt quá thẩm quyền, Chính phủ sẽ xin ý kiến của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Media Quốc hội

Về các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi của người dân và xử lý các vấn đề một cách chặt chẽ, có lộ trình rõ ràng. Hiện tại, hai ngân hàng đã được chuyển giao, còn lại hai ngân hàng và SCB đang được xem xét.

‘Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa’

Băn khoăn về chuyển đổi số là lĩnh vực mới, khó, bao gồm các nội dung rộng lớn như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và có tác động vĩ mô, đại biểu Bế Trung Anh nêu câu hỏi với Thủ tướng: “Việc chuyển đổi số có cần cơ sở lý luận không? Khi nào Việt Nam hoàn thành lộ trình thể chế số?”, ông Trung Anh chất vấn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nói “cần có lý luận”. Ông nói để chuyển đổi số thành công cần có một lộ trình rõ ràng dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn và nghiên cứu khoa học. Việc ưu tiên phát triển nhanh, xanh và bền vững sẽ là kim chỉ nam cho quá trình này. Chính phủ cũng hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là Luật dữ liệu và cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và chia sẻ dữ liệu, tránh lãng phí nguồn lực.

Đại biểu Bế Trung Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chia sẻ dữ liệu mở giữa các cơ quan, bộ ngành để học hỏi kinh nghiệm từ các dự án như Đề án 06. Mỗi ngành cần xây dựng các đề án tương tự để thúc đẩy chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào hạ tầng số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định để thành công.

“Cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh thì chúng ta sẽ làm được”, Thủ tướng khẳng định.

Sau khi trả lời hết các câu hỏi của đại biểu, theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng trả lời đại biểu về quản lý hoạt động trên không gian mạng. Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm “quản lý đời thực thế nào thì quản lý trên không gian mạng như vậy”.

Tuy nhiên, ông lưu ý bỏ tư duy không quản được thì cấm. Tinh thần xây dựng thể chế vừa phục vụ quản lý, vừa phục vụ sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, doanh nghiệp, chủ thể luôn phải đổi mới sáng tạo. “Đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng nói.

Ông Chính đề nghị các cơ quan cùng vào cuộc với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Thủ tướng trả lời chất vấn

 
 
Thủ tướng trả lời chất vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Video: VTV

Quốc hội hoàn thành chương trình chất vấn

Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau hai ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

136 lượt đại biểu chất vấn, 18 lượt đại biểu tranh luận, còn 80 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ thêm về những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Cùng tham gia trả lời chất vấn có: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Phó thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thể hiện trách nhiệm cao, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thẳng thắn, không né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới.

Có một điểm chung mà các thành viên Chính phủ nhắc nhiều lần trong phiên chất vấn lần này là: “trân trọng cảm ơn”, “nghiêm túc tiếp thu”, “nhận trách nhiệm cá nhân”, “quyết tâm thực hiện”… “Tôi nêu như vậy để thấy rằng các Bộ trưởng, Trưởng ngành luôn thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, nỗ lực trong thực hiện chức trách được giao”, ông Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: MediaQuochoi

Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn đã thành công với những cam kết mạnh mẽ trong chỉ đạo, quản lý, điều hành. Ông đề nghị bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay”, phát huy những kết quả đạt được, khẩn trương khắc phục những hạn chế, có giải pháp mới để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Viết Tuân – Đoàn Loan – Sơn Hà

Xem diễn biến chính

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/chinh-phu-de-xuat-tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-4815158-tong-thuat.html