U bạch huyết chèn ép cổ bé trai

Kết quả siêu âm của bé Phúc cho thấy khối u mềm có nang lớn, kết cấu lỏng ở khu vực phía sau tai trái, kích thước 51x20x46 mm. Ngày 9/12, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết u bạch huyết là khối u chứa dịch do các mạch bạch huyết phát triển quá mức. Nếu dịch bạch huyết và bạch cầu di chuyển qua các mô và máu bị tắc nghẽn sẽ tích tụ lại tạo thành nang. Khối u có thể được tạo thành từ nhiều nang nhỏ hoặc chỉ một vài nang lớn như bé Phúc. U của bé Phúc có khả năng lớn thêm, viêm loét. Khối u ảnh hưởng đến hô hấp khiến bé thở khò khè.

Kết quả khám tai mũi họng ghi nhận viêm VA (tổ chức bạch huyết ở mũi họng) quá phát, viêm mũi xuất tiết xung huyết. Bé có tiền căn cắt dính thắng lưỡi, đã được cắt hạch nách sau chích ngừa lao.

Êkíp gây mê qua mặt nạ, dùng kim tiêm hút dịch trong u, sau đó pha thuốc chích xơ bơm vào khối u. Sau can thiệp, bé tỉnh táo, ăn uống bình thường, xuất viện trong ngày. Bác sĩ dự kiến sau 1-2 tuần khối u sẽ xẹp, lành hẳn.

Bác sĩ tiêm xơ điều trị u bạch huyết cho bé Phúc. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Trọng cho biết u bạch mạch huyết thường điều trị bằng phẫu thuật, tiêm xơ. Nếu khối u lớn, phẫu thuật dễ để lại sẹo, tái phát, có thể nhiễm trùng vết mổ. Tiêm xơ là phương pháp điều trị tối ưu bởi bệnh nhân được gây mê qua mặt nạ (mask) nên không cần đặt ống thở, không gây sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tỷ lệ tái phát thấp, bệnh nhi có thể xuất viện trong ngày. Sau khi tiêm, khối u phản ứng với thuốc và teo nhỏ lại. Bệnh nhi cần tái khám thường xuyên để theo dõi u, sử dụng thuốc kháng viêm, giảm sưng theo chỉ định của bác sĩ.

Khối u của bệnh nhân sau khi điều trị tiêm xơ được một tuần. Ảnh: Gia đình bệnh nhân cung cấp

Theo bác sĩ Trọng, u bạch huyết là dị dạng bẩm sinh của mạch bạch huyết tương đối ít gặp. U có thể xuất hiện ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, thường gặp ở cổ, nách.

Bệnh có thể nhận thấy bằng mắt thường với biểu hiện là khối u mềm dưới da có màu xanh nhạt. Một số trẻ sưng đỏ, đau và sốt. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Tắc nghẽn của hệ thống bạch huyết khi trẻ còn trong bụng mẹ, thai phụ bị nhiễm virus, sử dụng rượu, rối loạn gene như hội chứng Noonan, Turner, Down… có thể là nguyên nhân. Phần lớn các u mạch bạch huyết không phải ác tính, không nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên bệnh gây mất thẩm mỹ, có thể dẫn đến xuất huyết, nhiễm trùng, bội nhiễm.

U mạch bạch huyết có thể tự khỏi, tuy nhiên diễn tiến biến chứng cần theo dõi sát. Bác sĩ Trọng khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ đi khám nếu xuất hiện khối u.

Đình Lâm

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/u-bach-huyet-chen-ep-co-be-trai-4825469.html