Dưới đây là 6 giải pháp anh gửi cho Tuổi Trẻ Online trong diễn đàn Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên đang diễn ra.
Nội Dung
- 1 Bảo vệ và phát triển thiên nhiên của Đà Lạt
- 2 Gìn giữ, bảo tồn di sản kiến trúc Pháp
- 3 Chiến lược quy hoạch Đà Lạt hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn bản sắc và phát triển kinh tế – xã hội
- 4 Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng phong phú, chất lượng cao
- 5 Xây dựng hình ảnh “Người Đà Lạt”
- 6 Cần có cơ chế đặc thù mới cho Đà Lạt
- 7 Diễn đàn “Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên”
Bảo vệ và phát triển thiên nhiên của Đà Lạt
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà khách du lịch đến với Đà Lạt là do thiên nhiên của Đà Lạt có rất nhiều ưu điểm: khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, nhiều phong cảnh đẹp…
Đây là đặc trưng, giá trị cốt lõi, là thương hiệu của du lịch Đà Lạt. Bảo vệ và phát triển thiên nhiên Đà Lạt là mục tiêu và là nhiệm vụ hàng đầu để phát triển du lịch Đà Lạt bền vững.
Gìn giữ, bảo tồn di sản kiến trúc Pháp
Di sản kiến trúc Đà Lạt tập hợp hàng ngàn biệt thự cổ kiểu Pháp và nhiều công trình kiến trúc khác. Các kiến trúc này có vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ hoàn hảo, có giá trị văn hóa và lịch sử cao, tạo nên bản sắc độc đáo, khác biệt cho đô thị Đà Lạt.
Đây là yếu tố rất hấp dẫn du khách và đa số tất cả du khách đến Đà Lạt đều đi tham quan các di sản kiến trúc này. Nếu không gìn giữ, bảo tồn được các di sản kiến trúc Pháp thì Đà Lạt sẽ đánh mất đi giá trị, bản sắc, linh hồn của chính mình.
Chiến lược quy hoạch Đà Lạt hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn bản sắc và phát triển kinh tế – xã hội
Cuộc sống không ngừng vận động, Đà Lạt không thể phát triển nếu cứ đứng im. Nhu cầu nhiều người đến với Đà Lạt không chỉ tham quan, nghỉ dưỡng mà còn rất nhiều nhu cầu khác như giải trí, mua sắm, khởi nghiệp, giáo dục, sinh sống… Vì vậy cần phải có chiến lược quy hoạch Đà Lạt hợp lý để vừa bảo tồn bản sắc vừa đáp ứng nhu cầu phát triển.
Quy hoạch Đà Lạt cần giữ lại những khu di sản kiến trúc cốt lõi và lấy khu Hòa Bình là trung tâm. Mở rộng khu Hòa Bình về phía Hồ Xuân Hương vì khu vực hồ Xuân Hương còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Quy hoạch cần chú ý đến việc hình thành và phát triển mới các tuyến phố đi bộ kết hợp kinh doanh, khu vực kinh tế đêm, khu vực ẩm thực, con đường sách, con đường hoa… Trong bối cảnh Đà Lạt hiện nay, không nên mở rộng và phát triển các trung tâm thương mại vì không cần thiết và không hiệu quả. Trong khu vực đô thị trung tâm, không xây thêm khu dân cư, khách sạn mới mà nên dịch chuyển ra vùng ven, vùng ngoại ô.
Mở rộng không gian đô thị Đà Lạt về hướng các đô thị vệ tinh mới như Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương… Xây dựng các đô thị vệ tinh này theo hướng đô thị xanh và tạo sự liên kết, gắn bó chặt chẽ với đô thị Đà Lạt.
Ngoài ra, khi quy hoạch Đà Lạt có thể linh động, không quy hoạch phủ kín hoàn toàn, mà chừa lại một số diện tích đất để phát triển theo nhu cầu.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng phong phú, chất lượng cao
Trong xu thế phát triển hiện nay, nếu chỉ dựa vào thiên nhiên và di sản kiến trúc thì du lịch Đà Lạt sẽ khó phát triển. Muốn thu hút, đáp ứng nhu cầu du khách để họ đến nhiều, ở lâu, tiêu nhiều và quay lại thì phải tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng phong phú, chất lượng cao.
Đà Lạt có thể nghiên cứu tập trung phát triển một số sản phẩm du lịch như:
Các loại đặc sản địa phương: dâu, bơ, hồng, trà, cà phê, atiso, hoa quả sấy khô, rau, rượu…
Các mô hình du lịch: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch hoa, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch tìm hiểu văn hóa tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch công nghệ, du lịch lễ hội – sự kiện (lễ hội hoa, trà, thác nước, ẩm thực, pháo hoa, tình yêu…; sự kiện văn hóa nghệ thuật: sách, âm nhạc, phim, múa, nhảy, triển lãm tranh, ảnh…).
Xây dựng hình ảnh “Người Đà Lạt”
Bên cạnh các yếu tố thiên nhiên, di sản kiến trúc, sản phẩm du lịch thì giá trị văn hóa – con người cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự phát triển bền vững của du lịch Đà Lạt.
Trong thời gian qua, khi Đà Lạt chuyển đổi và phát triển, hình ảnh của người Đà Lạt đã ít nhiều phai nhạt đi. Vì thế, việc tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân đồng lòng thực hiện bộ tiêu chí ứng xử phong cách người Đà Lạt, xây dựng hình ảnh, con người Đà Lạt “Hiền hòa – Thanh lịch – Mến khách” là một nội dung quan trọng cần đầu tư và thực hiện hiệu quả.
Cần có cơ chế đặc thù mới cho Đà Lạt
Đà Lạt là một thành phố khác biệt so với nhiều thành phố khác, khi phải tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ: bảo tồn di sản song hành với phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định 1528/QĐ-TTg ngày 3-9-2015 về “Cơ chế đặc thù” phát triển Đà Lạt. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, các cơ chế đưa ra là chưa đủ mạnh, chưa có hiệu quả cao.
Trong giai đoạn mới, để mở đường cho du lịch Đà Lạt phát triển bền vững thì cần các cơ chế đặc thù mạnh mẽ, năng động, cởi mở, đột phá hơn nữa.
Diễn đàn “Phát triển du lịch Đà Lạt từ văn hóa địa phương và tài nguyên thiên nhiên”
Bạn có ý tưởng, đề tài khoa học giúp du lịch Đà Lạt tiếp tục phát triển theo hướng du lịch xanh và bền vững, phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đến đa dạng sinh học và văn hóa địa phương? Mời bạn gửi bài viết, ý kiến, chia sẻ về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn từ nay đến ngày 14-12-2024. Các ý kiến đóng góp của độc giả sẽ được gửi tới lãnh đạo thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Vui lòng cung cấp thông tin liên lạc, thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Nguồn bài viết : https://tuoitre.vn/bao-ton-di-san-kien-truc-la-1-trong-6-dieu-toi-hien-ke-cho-da-lat-20241209095313391.htm