Khán giả cuồng nhiệt với các anh trai từ gameshow bước ra. Ảnh: Duy Phạm |
Sự đón nhận dành cho những gameshow và đêm nhạc của các nghệ sĩ thần tượng mới nổi tại Việt Nam làm dấy lên những hy vọng, tựa cú hích cho sự phát triển công nghệ tổ chức biểu diễn. Nhưng những con số ấn tượng chưa đủ nói lên thành công của một chương trình giải trí, dài hơi hơn là một nhánh của công nghiệp văn hóa được gây dựng từ lòng hâm mộ của khán giả.
Hơn một thập kỷ trước, hành vi hôn chiếc ghế thần tượng Hàn Quốc từng ngồi của một người hâm mộ Việt đã khiến dư luận choáng váng và bức xúc. Vài năm sau đó, hiện tượng hàng chục bạn trẻ ngất xỉu trong các sự kiện tại SVĐ Mỹ Đình có sự tham gia của các ca sĩ và diễn viên Hàn Quốc vẫn khiến nhiều người thấy khó hiểu. Những lời cảnh báo về khủng hoảng lối sống, chạy theo văn hóa ngoại lai… được đặt ra.
Thần tượng nội địa
Đó cũng là thời kỳ mà sự hoành tráng, lung linh của các sô diễn, sự xinh đẹp, hoàn hảo của các thần tượng ngoại là một điều gì quá xa vời. Các nghệ sĩ Việt cũng không có cửa để cạnh tranh. Cho mãi đến năm ngoái, việc nhóm BlackPink – nhóm nhạc Kpop có ảnh hưởng toàn cầu – dừng chân tại Việt Nam vẫn là một sự kiện hi hữu. Hai đêm nhạc này xác lập những con số về lượng khán giả, doanh thu mà không biết đến khi nào một nghệ sĩ hay nhóm nhạc của Vpop mới thực hiện được.
Nhưng gió đã đổi chiều nhanh hơn mong đợi. Có thể chưa nhóm nhạc nào làm được dù chỉ 1 đêm nhạc thu hút 2 vạn khán giả, nhưng nhóm nghệ sĩ 30 người của các gameshow đình đám như Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) hay Anh trai say hi (ATSH) đã và đang làm được.
Và lần này, chưa thấy mấy vụ khán giả Việt quá khích như hôn ghế. Họ cũng chưa đến nỗi xỉu vì được gặp thần tượng, có chăng do mệt, đói, hay khó thở do chen chúc là chính.
Phổ biến tình trạng ăn trực nằm chờ bên ngoài SVĐ Mỹ Đình từ đêm trước trong tiết trời lạnh giá của Hà Nội để trưa hôm sau được vào sớm hòng chiếm chỗ đứng đẹp xem ATSH. Nhưng các khán giả trẻ và khỏe không còn phải chịu những lời đàm tiếu mỉa mai nhiều như trước. Vì những hiện tượng này bắt đầu được thừa nhận, như một phần của văn hóa hâm mộ thần tượng phổ biến ở một số nước châu Á có nền công nghiệp giải trí phát triển.
Cộng đồng người hâm mộ của từng nghệ sĩ cũng hoạt động có tổ chức trong việc bầu chọn qua tin nhắn để thần tượng có vị trí cao trong gameshow hoặc mua quảng cáo xe buýt, quảng cáo tấm lớn… Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn được một nhóm hâm mộ mua hẳn quảng cáo tại quảng trường Thời Đại (nơi giá một ngày nghe nói từ 5-50.000 USD) như quà sinh nhật.
Các nhóm fan thích thú được thực thi tất cả những gì họ học hỏi được từ văn hóa hâm mộ nước ngoài vào thị trường nội địa. Vài cộng đồng fan còn thay mặt thần tượng làm từ thiện tạo thiện cảm với cộng đồng, tuy vậy, xuất hiện vài dấu hiệu có phần lệch lạc trong việc hâm mộ những thần tượng không xứng đáng.
Những nghệ sĩ tham gia mùa đầu tiên của những gameshow đình đám như ATVNCG hay ATSH chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và yêu thích của khán giả. Thêm vài mùa nữa, thần tượng mới được sản sinh ồ ạt, khán giả lại chả tha hồ “kén cá chọn canh”.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, BTC Anh trai say hi đã tổ chức được 4 đêm nhạc tại TPHCM và Hà Nội, ước tính thu hút tổng cộng 14 vạn khán giả. Giá vé chương trình đưa ra (từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng) cũng cao nhất trong lịch sử tổ chức biểu diễn ngoài trời ở Việt Nam. Giới “phe vé” lập tức vào cuộc, nhưng theo báo chí phản ánh, một số người đã phải bán dưới giá niêm yết vì vé đêm này chưa bán xong, BTC đã thông báo mở đêm diễn kế tiếp tại Hà Nội.
Yêu là phải mù quáng?
“Tình yêu ban đầu” bao giờ cũng mãnh liệt và có phần mù quáng. Một số người có thể cho rằng, thần tượng của họ là “của hiếm”, “bé cưng” cần được bảo vệ bằng mọi cách. Phát ngôn về việc bỏ học của Negav tại đêm nhạc đầu tiên của ATSH chỉ là phần nổi của tảng băng. Sau đó, nhiều phát ngôn tục tĩu có dấu hiệu quấy rối tình dục trong thời gian dài của Negav trên các mạng xã hội được phanh phui khiến nhiều người sốc.
Tuy nhiên, hình ảnh và giọng hát của Negav vẫn được BTC giữ nguyên tại đêm nhạc thứ 2. Sau đó hơn một tháng, Negav xuất hiện nguyên vẹn tại Hà Nội trong hai đêm nhạc. Rapper này còn được ghi nhận là 1 trong 3 cái tên được khán giả hô to nhất trong tối 7/12. Có người cho rằng, Negav còn chưa có một lời xin lỗi thỏa đáng cho những gì mình gây ra, anh trở lại vào thời gian này là chưa phù hợp. Nhà tổ chức dường như đã lợi dụng sự dễ dãi của một bộ phận khán giả để đưa một nghệ sĩ có hình ảnh thiếu chuẩn mực trở lại phủ sóng một cách dễ dàng.
Khán giả chờ đợi xem Concert Anh trai say hi. Ảnh: Duy Phạm |
Một “anh trai” khác là Đỗ Phú Quí vừa ra được một bài hát gây chú ý bằng nội dung tầm phào và ẩn ý 18+ cũng lập tức được BTC đưa ngay vào danh mục trình diễn. Họ muốn tận dụng mọi yếu tố có thể, dù là phản cảm hay đi ngược những quy chuẩn đạo đức để có thể được nổi tiếng hơn nữa?!
Trước đó, chương trình đã tận dụng những vũ đạo 18+ trong nội dung phát sóng gây bức xúc. Việc người trong ê-kíp ATSH có phát ngôn phản cảm về chính các “anh trai” cũng đều được cho qua.
Việc các concert nội địa gặt hái thành công bất ngờ khiến nhiều người kỳ vọng vào những hiệu ứng tích cực cho nền công nghiệp văn hóa đang manh nha ở Việt Nam. Có lẽ một phần vì vậy mà người ta quên rằng, văn hóa phải được xây dựng từ những nền tảng cơ bản của đạo đức xã hội. Việc tôn vinh những tài năng chưa đủ độ chín về hành xử, về nhân cách ít nhiều sẽ làm lệch lạc nhận thức của một bộ phận khán giả. Điều này gây ra những tác động tâm lý khó lường trước mắt và lâu dài.
Việc Negav được nhanh chóng đưa vào danh sách biểu diễn trong 2 đêm nhạc tại Hà Nội được cho rằng có liên quan đến phim Tết của Trấn Thành – có rapper này tham gia. Khả năng Trấn Thành thay vai của Negav sau scandal “khăn giấy ướt” là điều hầu như không khả thi, do sẽ gây tốn kém cho đoàn làm phim vì phải quay lại. Do đó Negav cần được phủ sóng trở lại trước khi phim ra mắt?
Chỉ vài mùa gameshow nữa thôi, chúng ta sẽ thấy rằng, tài năng nếu được đo bằng giọng hát, vũ đạo và ngoại hình sẽ không hề thiếu. Cái mà những thần tượng cần phải có để đi đường dài chính là thẩm mỹ và phông văn hóa. Thành công của một chương trình nghệ thuật như một thành phần nhỏ của công nghiệp văn hóa không thể chỉ đo bằng số lượng khán giả hay doanh thu.
Nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc có thể thấy, văn hóa hâm mộ thần tượng đã biến tướng đến mức nhà nước phải có những chấn chỉnh nghiêm ngặt dành cho những chương trình được gọi là “tuyển tú”. Một bộ phận khán giả Việt Nam vẫn cho thấy sự dễ tính, dễ lóa mắt trước hào quang của những thần tượng hoàn toàn có thể tạo ra bằng quy trình công nghệ.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/thay-gi-tu-hien-tuong-cuong-cac-anh-trai-bai-1-loa-mat-truoc-hao-quang-than-tuong-post1699144.tpo