Đỡ cháu ngã xe, ông tái phát rách gân cơ vai

Ông Bình đến viện trong tình trạng đau vai nhiều và tăng nặng về đêm. Một năm trước, ông ngã trong lúc cố với lấy đồ trên cao gây rách gân chóp xoay, được phẫu thuật khâu gân phục hồi vận động. Gần đây, trong một lần đưa tay đỡ cháu khỏi ngã xe, khớp vai ông đau và khó cử động trở lại.

Kết quả chụp X-quang, cộng hưởng từ cho thấy người bệnh thoái hóa khớp vai đồng thời tái đứt gân chóp xoay. Vết đứt rất rộng, tuột khỏi điểm bám gân và tụt sâu gần đến ổ chảo.

Ngày 15/11, TS.BS Chế Đình Nghĩa, Phó khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tình trạng thoái hóa khớp của ông Bình khá nặng, máu nuôi gân kém đi, bao hoạt dịch bị xơ hóa làm mỏm xương cọ xát nhau khi vận động, mọc gai xương, khiến gân dễ rách, đặc biệt là khi xoay tay đột ngột bằng lực mạnh.

Cơ chóp xoay vai gồm 4 gân cơ là gân trên gai, gân dưới vai, gân dưới gai và cơ tròn bé. Ông Bình bị rách gân cơ trên gai hai lần, trong khi đây là điểm gân dễ bị tổn thương nhất, cùng với gân cơ dưới gai, gây ảnh hưởng đến chức năng khớp vai. Nếu không được điều trị đúng cách có nguy cơ tổn thương thêm các tổ chức khác, từ rách một gân chuyển sang rách hai hoặc ba gân. Trường hợp nghiêm trọng có thể gặp tình trạng giả liệt, mất khả năng nâng vai quá 90 độ hoặc duy trì vai ở tư thế dạng xoay ngoài.

Do gân đứt đã co rút thoái hóa nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định không tiếp tục khâu kéo vì tỷ lệ thất bại cao, thay vào đó phẫu thuật ghép gân bằng phương pháp nội soi. Đoạn gân đứt tụt sâu được kéo ra ngoài, khâu vào điểm bám, sau đó ghép thêm mảnh gân đùi kích thước 3×5 mm của chính người bệnh áp lên phía trên của gân và xương cánh tay.

Bác sĩ Nghĩa cho biết về mặt cơ học, mảnh ghép gân có chức năng hỗ trợ đàn hồi cho gân đứt. Về mặt sinh học, cơ thể có chức năng tự chữa lành, sẽ sản sinh các tế bào và collagen từ gốc gân đứt, dần thúc đẩy hai mảnh gân hòa làm một như gân tự nhiên của người bệnh.

Sau phẫu thuật, ông Bình không còn đau, khớp vai nhẹ hơn, có thể đưa tay ra sau dễ hơn, giơ tay qua đầu thụ động. Kết hợp với tập luyện và kiêng làm việc nặng sớm, dự kiến người bệnh có thể khôi phục hoàn toàn tầm vận động sau 6 tháng mà không lo ngại đứt gân chóp xoay tái phát.

Một bệnh nhân đang tập phục hồi vận động khớp vai. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khớp vai là khớp được sử dụng nhiều trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong vận động. Rách gân cơ chóp xoay là tình trạng tổn thương rách một hoặc nhiều gân của nhóm cơ chóp xoay vai. Theo bác sĩ Nghĩa, rách có khả năng tự lành trong trường hợp lỗ rách nhỏ, điểm bám gân vẫn chắc. Trường hợp khó lành, nếu can thiệp khâu gân đơn thuần, với người cao tuổi như ông Bình, cần hạn chế tác động lực mạnh lên tay vì dễ rách lại, do gân và các bộ phận quanh khớp đều đã suy giảm chức năng.

Phẫu thuật nội soi khớp vai được áp dụng điều trị đa số những tổn thương của chóp xoay. Bác sĩ Nghĩa đánh giá ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, hồi phục nhanh, nguy cơ nhiễm trùng thấp, nhất là khắc phục được tình trạng teo cơ delta của phương pháp mổ mở truyền thống.

Các triệu chứng đau âm ỉ lan từ vai lên cổ, xuống mặt ngoài xương cánh tay, kéo dài trên ba tuần, thường xuất hiện vào ban đêm, khó nâng tay có thể cảnh báo rách gân chóp xoay, người bệnh cần đi khám sớm. Phát hiện bệnh trễ khiến khó điều trị, nguy cơ yếu vai hoặc mất cử động vĩnh viễn, thúc đẩy thoái hóa phát triển.

Rách gân chóp xoay không do lặp lại các vận động nặng mà do vận động quá sức đột ngột trong thời gian ngắn. Vì vậy, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo mọi người nên tập thể dục, tăng dẻo dai, giúp các gân cơ bắt kịp động lực và sẵn sàng cho các vận động nặng.

Vân Anh

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/do-chau-nga-xe-ong-tai-phat-rach-gan-co-vai-4816500.html