Thức uống có gas
Thức uống như soda chứa axit cacbonic, tác động đến men răng bằng cách làm giảm độ pH trong miệng, gây mòn men răng, dễ sâu răng. Răng của trẻ em cũng nhạy cảm với thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh. Sau khi dùng thức uống có gas, trẻ nên súc miệng bằng nước, sau một giờ có thể đánh răng.
Nước ép trái cây đóng chai
Nước ép trái cây đóng chai thường chứa đường, không có lợi cho sức khỏe răng miệng. Đường nuôi dưỡng vi khuẩn có trong miệng của trẻ, tạo ra axit. Giống như soda, axit này cũng làm mòn men răng, tăng nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng.
Cha mẹ nên khuyến khích bé uống nước lọc, sữa hoặc nước ép trái cây tươi nguyên chất. Nếu trẻ dùng thức uống có đường, hãy cho con súc miệng bằng nước để loại bỏ lượng đường dư thừa bám vào răng, giảm nguy cơ sâu răng.
Trái cây họ cam quýt
Chanh, cam đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không tốt cho răng. Giống như soda, trái cây họ cam quýt có hàm lượng axit cao, gây hại men răng. Nếu bé thích ăn trái cây họ cam quýt, cha mẹ có thể chế biến thành thức uống. Sau đó, trẻ dùng ống hút để tránh tiếp xúc trực tiếp với răng. Sau đó, trẻ cần vệ sinh răng miệng để loại bỏ axit tích tụ.
Dưa chua
Dưa chua được làm từ giấm, nước muối và các loại gia vị khác. Lượng axit cao trong thực phẩm có khả năng phá vỡ men răng tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công răng miệng.
Khoai tây chiên
Món ăn vặt này chứa tinh bột sẽ chuyển hóa thành đường khi ăn. Khoai tây chiên dễ tích tụ giữa kẽ răng, nuôi dưỡng vi khuẩn, tăng nguy cơ sâu răng. Cha mẹ nên cho trẻ dùng kem đánh răng dành cho bé để loại bỏ hết thức ăn bị mắc kẹt giữa kẽ răng.
Bỏng ngô
Bỏng ngô là một lựa chọn lành mạnh khi không chứa dầu, bơ hoặc muối. Thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, giàu chất chống oxy hóa có lợi. Tuy nhiên, món ăn này có thể gây ra vấn đề cho răng khi bé không vệ sinh răng miệng đúng cách. Cha mẹ hướng dẫn con đánh răng, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn bỏng ngô để không còn mảnh vụn thức ăn sót lại giữa kẽ răng.
Trẻ tránh nhai các vật cứng như đá, cắn bút vì chúng có thể làm nứt răng. Phụ huynh nên cho con đi khám nha khoa định kỳ để sớm phát hiện viêm nướu, viêm nha chu, sâu răng… Trẻ cũng nên được kiểm tra cấu trúc răng, cấu tạo hàm và có biện pháp xử lý khi có vấn đề.
Lê Nguyễn (Theo FirstCry Parenting)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nhung-mon-an-uong-hai-rang-tre-4816319.html