Hai lần vào miền Nam chữa vô sinh

“Vất vả, tốn kém nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết tâm có con”, chị Bảo, 35 tuổi, quê Thanh Hóa, chia sẻ hôm 15/11, khi đang mang thai lần hai được 7 tuần. Đây là “trái ngọt” sau hai lần vợ chồng chị được khám và điều trị bởi bác sĩ Phùng Huy Tuân, hiện là chuyên gia Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8 TP HCM.

7 năm trước, họ lần đầu từ Thanh Hóa vào TP HCM chạy chữa sau khi đã uống 500 thang thuốc đông y nhưng không có con. Bác sĩ Tuân chẩn đoán chị Bảo bị vô sinh không rõ nguyên nhân, chỉ định thụ tinh ống nghiệm (IVF) và thành công, giúp chị sinh con gái khỏe mạnh.

Muốn có thêm con, hai năm qua, đôi vợ chồng thực hiện tiếp IVF tại bệnh viện địa phương và Hà Nội. Họ chuyển phôi 4 lần, tốn gần 300 triệu đồng nhưng đều thất bại dù đã sàng lọc di truyền phôi bình thường.

“Chúng tôi quyết định vay mượn người thân để trở lại TP HCM, tìm đến bác sĩ Tuân điều trị lần cuối”, chị Bảo kể thêm rằng vợ chồng làm công nhân nên không dư giả nhiều.

Vợ chồng chị Bảo hạnh phúc khi lần thứ hai có con. Ảnh: Quỳnh Châu

Bác sĩ Tuân cho biết chị Bảo hiện lớn tuổi, số lượng và chất lượng trứng suy giảm. Chất lượng trứng kém là nguyên nhân khiến phôi thai mang những lỗi di truyền, tăng nguy cơ thất bại chuyển phôi, dị tật thai nhi, sảy thai… Đây là khó khăn lớn nhất có thể giảm tỷ lệ thành công trong điều trị IVF.

Bác sĩ còn phát hiện chị bị lạc tuyến nội mạc tử cung trong cơ và suy giáp, điều trị thêm khó khăn. Song song với điều trị IVF, chị Bảo được điều trị tình trạng suy giáp tại đơn vị Nội tiết – Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 giúp tăng khả năng thành công và đảm bảo an toàn khi mang thai.

Bác sĩ Tuân chỉ định vợ chồng người bệnh thực hiện Mini-IVF với liều thuốc kích trứng tối thiểu, chuyển phôi tươi ngày 3 để tiết kiệm chi phí. Sau chọc hút, chị Bảo thu được 8 cụm noãn. Chuyên viên phôi học lọc rửa noãn và tinh trùng, tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (kỹ thuật ICSI), nuôi cấy trong môi trường tối ưu được 4 phôi ngày 3 loại tốt.

Bác sĩ chuyển 2 phôi tươi vào tử cung, chị Bảo đậu thai. Toàn bộ chi phí điều trị lần này khoảng 90 triệu đồng. Vợ chồng chị Bảo hiện trở về quê để tiếp tục theo dõi thai kỳ và điều trị ổn định tuyến giáp. Họ còn 2 phôi trữ đông để có thể sinh thêm con trong tương lai.

Theo bác sĩ Tuân, tỷ lệ thụ tinh ống nghiệm thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tuổi của người vợ. Tuổi càng cao, số lượng và chất lượng trứng càng suy giảm, gây giảm khả năng có con. Theo các nghiên cứu trên thế giới, trung bình tỷ lệ IVF thành công ở phụ nữ 35-40 tuổi chỉ khoảng 20-30%, tiếp tục giảm khi tuổi cao hơn. Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ thành công ở bệnh nhân dưới 35 tuổi là hơn 76%, giảm còn hơn 69% ở độ tuổi 35-40 tuổi.

Trường hợp người bệnh lớn tuổi, giảm dự trữ buồng trứng, chuyển phôi thất bại nhiều lần và có các bệnh lý chồng chéo như chị Bảo cần phối hợp giữa các chuyên khoa để tăng hiệu quả điều trị. Phác đồ kích thích buồng trứng liều thấp có thể cải thiện chất lượng noãn, phôi, tăng tỷ lệ IVF thành công và giảm các tác dụng phụ của thuốc cũng như các biến chứng do thuốc gây nên.

Hoài Thương

Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/hai-lan-vao-mien-nam-chua-vo-sinh-4816438.html