Cô gái ở thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam không ngờ những bộ phim ngôn tình ngắn lại có sức hút mãnh liệt với người cha 61 tuổi, nguyên giảng viên đại học, có tình cảm vợ chồng ổn định, gia đình êm ấm.
Hai năm trước, mẹ An Na phát hiện điện thoại chồng liên tục có thông báo trừ tiền, mỗi lần 10 tệ (35.000 đồng), ngày nhiều nhất là 399 tệ (1,4 triệu đồng). Toàn bộ lịch sử giao dịch đều là trả tiền xem phim ngắn. Tìm hiểu nội dung phim, bà càng “choáng váng” hơn. Đó là những bộ phim có nội dung na ná nhau, thường là nhân vật trung niên đổi đời bằng các tình huống bất ngờ như kết hôn chớp nhoáng với chủ tịch tập đoàn cải trang thành thợ điện.
Bà nổi trận lôi đình.
“Tôi không bài bạc, mua sắm, chỉ có xem phim là thú vui, sao bà cũng quản?”, bố An Na nói.
Nhưng diễn biến tiếp theo vượt xa khỏi tầm dự đoán của An Na. Trong hai năm, bố cô đã lôi kéo được vợ cũng trở nên mê mẩn những câu chuyện “Mary Sue” (nhân vật hư cấu, hoàn hảo đến mức vô lý). Sở thích của ông bà cũng ngày càng đa dạng: từ xuyên không báo thù đến ân oán hào môn, tình yêu sét đánh.
Bà chọn phim, ông chi tiền.
Để xem phim thoải mái hơn, ông bà mua thêm hai chiếc điện thoại đời mới. Riêng thẻ thành viên năm đã đăng ký 6 cái, phim ngắn trên Douyin mỗi tháng tốn thêm ít nhất 500 tệ.
“Những bộ phim này moi tiền của người trung niên rất khéo. Ban đầu là mức giá 0,9 tệ xem được vài tập đầu, sau đó là nạp tiền mở khóa từng tập, cuối cùng là yêu cầu đăng ký thành viên năm mới được xem phần kết” An Na cho biết.
Chỉ cần click vài lần trên nền tảng video ngắn, những nội dung tương tự sẽ liên tục được đề xuất. Một người đã trả phí sẽ bị các công ty quảng cáo phim ngắn “bắt bài”, trở thành đối tượng quảng cáo trọng điểm. Cứ như vậy, người dùng sẽ bị thuật toán “giam cầm”.
Lo lắng cha mẹ sa vào vũng lầy không lối thoát này, An Na đã điều chỉnh hạn mức chi tiêu trên thẻ ngân hàng của cha mẹ, mỗi ngày tối đa 200 tệ (700.000 đồng).
“Điều tôi lo lắng nhất là xem nhiều nên cha mẹ lười vận động, đau mỏi vai gáy, suy giảm thị lực”, cô chia sẻ.
Bà của Trịnh Văn Vũ tuy mê phim ngắn lại rất tỉnh táo, không chi tiền, chỉ xem miễn phí. Bà Vũ ngoài 70 tuổi, ông nội ở quê, con cháu đều đi làm ăn xa. Trong một ngày, ngoài ăn ngủ, bà gần như dành toàn bộ mười mấy tiếng còn lại đeo kính lão, dán mắt vào màn hình xem.
“Tháng trước bà thức khuya xem phim, mắt đỏ ngầu, không chịu vận động, không nấu cơm”, ông của Vũ thở dài nói.
Sức hút của phim ngắn đối với người trung niên và cao tuổi đã vượt xa việc tập thể dục ở quảng trường và giúp đỡ gia đình. Phim ngắn – thời lượng dưới 15 phút mỗi tập – đã trở thành một mỏ vàng ở thị trường Trung Quốc năm 2023, ước tính trị giá gần 37,4 tỷ tệ, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu phòng vé.
Ban đầu, các phim này nhắm vào khán giả trẻ với câu chuyện lãng mạn hoặc giả tưởng, nhưng năm nay đã chuyển hướng sang đối tượng lớn tuổi trong xu hướng “nền kinh tế tóc bạc”. Báo cáo của iResearch năm 2024 cho thấy 37% khán giả phim siêu ngắn hiện nay ở độ tuổi từ 40 đến 59 và gần 40% người dùng trên 45 tuổi. Dữ liệu của nền tảng phim ngắn QuestMobile, cho thấy người trung niên và cao tuổi là đối tượng chính, mỗi tháng chi trung bình từ 500 đến 1.900 tệ cho để xem
Phim ngắn thường theo công thức chặt chẽ với các cú twist (tình huống bất ngờ) nhỏ mỗi 15 giây và các diễn biến lớn mỗi 30 giây để thỏa mãn khán giả. Nhân vật chính thường là phụ nữ trung niên trong vai trò khiêm tốn như giúp việc hoặc bảo mẫu.
Mùa hè vừa qua, bộ phim ngắn Cleaning Mom, The Return of the Infinite khiến khán giả trẻ sôi sục vì bất mãn, ngược lại người trung niên và cao tuổi hâm mộ cuồng nhiệt.
Nội dung về chuyện “tình một đêm” của chàng giám đốc trẻ – người thừa kế một gia tộc giàu có – và nữ nhân viên lao công, vệ sinh họ Zhao. Sau một đêm mặn nồng, CEO đã “bồi thường” cho nữ lao công một thẻ tín dụng có 20 triệu tệ, cầu hôn bằng chiếc nhẫn kim cương gia truyền và dẫn về nhà gặp bố mẹ. Cốt truyện bùng nổ, hóa ra Zhao là mối tình đầu của ông bố vì CEO trẻ tuổi kia. Hai cha con tranh giành tình cảm của nữ chính, trong khi những người khác liên tục mạt sát cô. Tình tiết sốc nhất, nữ giúp việc hóa ra cũng có con trai là CEO, một bậc thầy võ thuật, còn cô là người giàu nhất thế giới.
Trước đó, phim Flash Marriage Partner is a Magnate cũng thống trị bảng xếp hạng phim ngắn nhiều ngày. Trong phim, người phụ nữ họ Shi, 49 tuổi, bị chồng giám đốc bỏ rơi và con dâu bắt nạt, phải bán cơm hộp để mưu sinh. Nhưng cô đã đổi đời sau cuộc hẹn hò giấu mặt với chủ tịch tập đoàn cải trang thành thợ sửa điều hòa.
Tình tiết rất vô lý, nhưng khán giả trung niên vẫn là fan trung thành. Dữ liệu từ công ty sản xuất Ting Hua Dao cho thấy phim này đã thu hút hơn 500 triệu lượt xem trên Douyin tính đến tháng 9. Khán giả chủ yếu là người trung niên từ 41 đến 50 tuổi và khoảng 60% trong số đó là nam giới.
Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc chỉ trích những phim ngắn này vì tiêu chuẩn đạo đức thấp. Tờ Paper chỉ trích các phim vì phóng đại, cổ vũ lối sống tôn thờ tiền bạc, cố tình khoét sâu chênh lệch giàu nghèo và xung đột giai cấp, đồng thời làm đảo lộn đạo đức gia đình và quan niệm về tình yêu, cho rằng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng bảo vệ phim, lập luận rằng nhu cầu tình cảm của phụ nữ trung niên không nên bị coi là kỳ lạ. Nhiều người lớn tuổi cảm thấy được đồng cảm khi theo dõi câu chuyện nhân vật trung niên, dù được kể theo cách phóng đại.
Bỏ qua việc bị gắn mác tiêu cực, những phim ngắn này miêu tả câu chuyện của những người trung niên và lớn tuổi bình thường tìm thấy mùa xuân thứ hai trong cuộc đời, cuối cùng đảo ngược vận mệnh và địa vị xã hội.
Hơn nữa, dù cốt truyện của các phim có vẻ ngớ ngẩn, các đạo diễn thì không. Thực tế, họ đã chính xác nắm bắt được tình cảnh bất lực của người trung niên và lớn tuổi ở tầng lớp trung và thấp trong một xã hội.
Là thế hệ “bánh mỳ kẹp” giữa cha mẹ già và con cái nhỏ, không thể chọn “nằm yên” hay “sống nhờ cha mẹ” như người trẻ, đồng thời đối mặt với “lời nguyền 35” tại nơi làm việc. Trong khi đó, truyền thông chính thống ít mang lại sự an ủi, làm lu mờ cuộc sống tình cảm và khao khát của nhóm nhân khẩu học này.
Một số người trẻ ở Trung Quốc lo lắng cha mẹ đang bị lợi dụng bởi các ứng dụng phim ngắn. Nhiều người đã chia sẻ mẹo thay đổi thuật toán trên điện thoại của cha mẹ để ngăn họ chi tiền. Trên Weibo, chủ đề “Người cao tuổi nghiện Internet” đã được thảo luận gần 100 triệu lần. Nhiều người than thở “chưa kéo được con ra khỏi game, lại phát hiện cha mẹ nghiện phim ngắn”.
Giáo sư Trần Hồng Tiên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Đại học Trung Nam cho biết nỗi lo lắng của con cái với cha mẹ mê phim ngắn không phải không có cơ sở. Người già quá mê mẩn xem phim ngắn có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như mờ mắt, đau mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch và làm xa cách mối quan hệ gia đình.
Chuyên gia khuyên sự quan tâm của con cái có thể mang lại cho cha mẹ, ông bà niềm an ủi. Sự đồng hành về mặt tình cảm là “liều thuốc” chữa trị vấn đề này. Hãy gác điện thoại xuống, thường xuyên về nhà thăm cha mẹ, quan tâm đến nhu cầu tinh thần và tâm lý của họ, khuyến khích cha mẹ tìm thấy sở thích riêng. Đồng thời cố gắng hết sức giúp họ học cách sử dụng thiết bị điện tử đúng cách, cũng như nhận biết các chiêu trò lừa đảo trên Internet.
“Con cái cũng nên thấu hiểu và tôn trọng, cho cha mẹ mình đủ tự do và không gian để sử dụng internet một cách lành mạnh, chủ động”, giáo sư Hồng Tiên nói.
Bảo Nhiên (Theo Fengone/Sixthtone/Thinkchina)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nguoi-trung-nien-phat-cuong-vi-phim-ngan-ngon-tinh-4815237.html