Siara Rouzer, 31 tuổi, cùng người yêu trải qua nhiều dấu mốc quan trọng của cuộc đời. Cô thích gọi người đàn ông của mình là “partner” (đối tác, bạn đời) vì nó khiến Rouzer có cảm giác chững chạc và bình đẳng hơn trong mối quan hệ.
Partner là cách xưng hô thường gặp trong cộng đồng LGBT. Nhưng ngày nay nhiều cặp dị tính ở Anh, Mỹ đang dùng để mô tả tình yêu bền chặt. Các chuyên gia về giới cũng nhận định cách gọi này trung tính và lành mạnh hơn boyfriend, girlfriend.
Nhà tâm lý học, GS.TS Patricia S.Dixon tại Đại học Quốc gia Louis ở Florida (Mỹ) nói ngày nay hiếm khi nghe ai đó giới thiệu “đây là chồng tôi, vợ tôi hay bạn gái tôi”. “Họ thường gọi người yêu là ‘bạn đời'”, Patricia nói.
Gen Y (sinh năm 1981-1996) và Gen Z (1997-2012) ở Mỹ đang dùng từ “bạn đời” trên mạng xã hội như cách ủng hộ mối quan hệ phi truyền thống.
Cách xưng hô dần thay đổi cho thấy thế hệ trẻ không còn tuân theo những chuẩn mực tình yêu. Họ cởi mở hơn khi khám phá về bản dạng giới. Thậm chí, nhiều người tin rằng hôn nhân không phải đích đến cuối cùng của tình yêu.
Với Rouzer, cô cho rằng “boyfriend” là từ mô tả thiếu chính xác về người bạn tâm giao của mình. “Anh ấy đã 30 tuổi, qua tuổi thiếu niên. Anh ấy đã đóng thuế và quá trưởng thành để gọi là bạn trai”, cô gái 31 tuổi nói.
Leah Carey, huấn luyện viên tình dục và tình yêu, người dẫn chương trình podcast Good Girls Talk About Sex (Gái ngoan nói chuyện tình dục) cho rằng cách gọi “bạn trai, bạn gái” cho thấy cả hai đang trong giai đoạn tìm hiểu.
“Tôi và bạn trai đã yêu nhau 10 năm và cảm thấy cách gọi này không phù hợp với mối tình dài lâu”, Carey nói. Cô cũng cho rằng “bạn đời” là từ đại diện cho mối quan hệ có sự cam kết giữa hai bên nhưng không phải vợ/ chồng.
Domenique Harrison, chuyên viên tư vấn hôn nhân và gia đình ở California (Mỹ) giải thích “bạn đời” thường dùng cho các mối tình bền chặt, nghiêm túc. Nói cách khác, sự thay đổi trong cách xưng hô chứng minh thêm xu hướng không muốn kết hôn của người Mỹ.
Cuộc điều tra dân số Mỹ năm 2018 cho thấy nhiều người trưởng thành chung sống lâu dài với người yêu nhưng không muốn kết hôn. 15% người trẻ (25-34 tuổi) sống chung nhưng không kết hôn, tăng từ 12% của năm 2008.
“Ngày càng nhiều người nhận ra họ có thể lấp đầy cuộc sống mà không cần hôn nhân, nhà cửa hay con cái”, Carey nói.
Bên cạnh đó, nhiều người gọi nhau là “bạn đời” vì xem đó là cơ hội tạo ra bình đẳng giới trong tình yêu.
Đối với Rouzer, “bạn đời” là cách xưng hô phù hợp khi cả hai được bình đẳng trong việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc, dù không kết hôn. Như khi cô phải đến quốc gia khác để nghiên cứu hậu tiến sĩ, bạn đời cũng quyết định đi cùng.
“Thật điên rồ khi chuyển đến đất nước xa lạ chỉ vì tình yêu. Anh ấy đã chọn đi cùng thay vì ép tôi ở lại. Tôi thật sự rất hạnh phúc”, Rouzer nói.
Trong cộng đồng LGBT, “bạn đời” thường được dùng để chỉ mối quan hệ nghiêm túc. Không thể kết hôn nhưng những người này thích gọi nhau là “bạn đời” để thể hiện sự trân trọng đối phương.
Riêng với người song tính (bisexual), cách gọi này giúp họ thoải mái hơn, dù yêu người đồng tính hay dị tính. Nhóm này từng gặp khó khăn trong tình yêu bởi hay gặp vấn đề nhầm lẫn giới.
“Người ta suy đoán bạn là người đồng tính hay dị tính dựa vào người yêu hiện tại. Nhưng khi một người song tính nói ‘Đây là bạn đời của tôi’ họ sẽ không bị cố định vào xu hướng tính dục cụ thể”, bà Carey nói.
Một số người cho rằng gọi ai đó là “người tình” có vẻ quá thân mật. Nhưng nếu lúc nào cũng gọi người yêu là “bạn đời” lại có vẻ quá trang trọng.
Riêng với Rouzer, “bạn đời” là cách cô gọi người yêu trong 9 năm hẹn hò. Nguời yêu cũng thích cô gọi tương tự. Họ thoải mái với cách xưng hô này và đó là điều quan trọng nhất trong tình yêu.
Minh Phương (Theo CNN)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/nhung-cap-tinh-nhan-my-doi-cach-xung-ho-the-nao-4815174.html