Cậu bé 2 tuổi là đứa trẻ đầu tiên chào đời ở làng Ichinono cách TP Osaka 60 km, sau hai thập kỷ. “Chúng tôi cứ nghĩ chỉ còn cái chết chờ đợi ở làng”, trưởng làng Ichiro Sawayama, 74 tuổi, nói. Hiện nay dân số của Ichinono vào khoảng 60 người.
Họ là một trong 20.000 cộng đồng dân số già ở Nhật Bản, theo thống kê của Bộ Nội vụ. Phục hồi sức sống của nông thôn là một trong những cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của thủ tướng Shigeru Ishiba.
Nhật Bản đang đối mặt với “quả bom” nhân khẩu học với tỷ lệ nhập cư thấp trong khi dân số già đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Monaco.
Làng toàn người già nên quanh năm im ắng. Sự im ắng nặng nề đến mức người dân Ichinono phải may những con ma nơ canh nhồi bông, đặt ở đu quay, xe chở củi để đỡ cảm giác hiu quạnh. Họ mơ về cuộc sống nhộn nhịp trong quá khứ.
“Số người ở làng còn ít hơn cả số con rối”, bà Hisayo Yamazaki, 88 tuổi, nói.
Trước đây, người làng Ichinono chủ yếu làm nông, thu hoạch lúa và sản xuất rượu sake. Hầu hết các gia đình trong làng đều có con. Tuy nhiên, các phụ huynh đã lo sợ rằng nếu để con quanh quẩn trong ngôi làng hẻo lánh, chúng sẽ không thể lấy chồng (vợ). Do đó, thế hệ trẻ được khuyến khích học đại học ở thành phố.
“Chúng tìm được công việc ở nơi khác và không bao giờ quay lại”, bà nói. “Chúng tôi đang phải trả giá cho điều đó”.
Gia đình của Rie Kato, 33 tuổi và chồng Toshiki Kato, 31 tuổi là sự khác biệt duy nhất. Họ đã chuyển từ Osaka đến Ichinono vào năm 2021. Vợ chồng cô quyết định rời bỏ cuộc sống thành thị để về nông thôn bởi đại dịch đã tạo ra cơ hội làm việc từ xa.
Sau đó, Kuranosuke ra đời. Cậu bé là cư dân nhỏ tuổi nhất nên được yêu mến bởi người dân trong làng. Họ mang cho cậu thức ăn và thay nhau chăm sóc.
“Cậu bé là niềm tự hào của chúng tôi”, ông Sawayama, nói. Trong khi bà Yamazaki xem cậu như cháu chắt và nói Kuranosuke luôn ngọt ngào.
Họ nói Kato thật sự tuyệt vời bởi cho con họ lớn lên trong cộng đồng Ichinono thay vì sự vô danh trong căn hộ ở Osaka.
“Con chúng tôi đã được thừa hưởng tình yêu, sự hỗ trợ và hy vọng từ rất nhiều người”, Toshiki nói. “Dù thằng bé chưa đạt được điều gì trong đời này”.
Rie Kato thường xuyên được hàng xóm mời chơi thể thao hoặc thu hoạch đậu. Cô cảm thấy giá trị bản thân của mình được công nhận ở đây và muốn con có cảm giác tương tự khi lớn lên.
Tuy nhiên, sự khép kín của Ichinono cũng được lý giải. Họ đưa ra quy định từ xưa như người muốn gia nhập làng phải có ít nhất ba cư dân lâu năm bảo lãnh, nộp gạo hoặc tiền mặt. Hiện, ông Sawayama đã gỡ bỏ quy định để tránh làm người nhập cư sợ hãi.
“Suy giảm dân số ở nông thôn là hiện tượng toàn cầu nhưng nó trầm trọng ở nhật Bản”, giáo sư phát triển cộng đồng Taro Taguchi ở Đại học Tokushima, nói.
Vùng núi Nhật Bản thường tiềm ẩn nguy cơ thiên tai, họ tập trung ở đồng bằng làm nông nghiệp. Thủ tướng Ishiba đã cam kết “tái tạo” Nhật Bản với các chính sách như tăng gấp đôi trợ cấp cho các khu vực khó khăn.
Trong khi đó, người đàn ông làm việc trong ngành IT Toshiki Kato cũng đang nghĩ đến dự án tân trang những ngôi nhà trăm tuổi ở Nhật Bản.
“Tôi muốn mang lại luồng sinh khí mới và giữ cho sự suy tàn của Ichinono lùi xa thêm một năm nữa”, anh nói.
Ngọc Ngân (Theo Japan Today)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/ngoi-lang-chi-co-mot-dua-tre-4812335.html