Sự ổn định và giàu có trong cuộc sống của đa số đến từ tích tiểu thành đại. Hãy ghi nhớ những thói quen sau đây, có thể giúp bạn kiếm được tiền bất cứ lúc nào.
Đồ không dùng đến, tận dụng tối đa
Cô Saki Tamogami, người đã mua được ba căn nhà ở tuổi 34, được mệnh danh là “cô gái tiết kiệm nhất Nhật Bản”.
Ngoài việc tiết kiệm trong ba bữa ăn hàng ngày, không mua đồ giảm giá, nuôi tóc dài để bán, nữ nhân viên bất động sản này còn cho thuê nhà. Khi có căn nhà đầu tiên, cô chỉ ở một phòng và cho thuê những phòng khác.
Trong cuộc sống của chúng ta, nhiều gia đình cũng có phòng trống hoặc sở hữu một căn nhà lớn nhưng thực tế chỉ có một người sống trong đó. Nếu cho thuê các phòng không sử dụng, bạn sẽ có thêm thu nhập.
Tương tự, bất kỳ món đồ nào mình hiếm khi sử dụng đều có thể bán hoặc cho thuê. Đồ không dùng đến, ở một mức độ nào đó, chính là lãng phí.
Đồ cũ, thay đổi cách dùng
Hãy nhìn vào ngôi nhà của chúng ta bạn sẽ thấy có khá nhiều đồ cũ có thể sửa chữa hoặc thay đổi để nâng cao giá trị. Ví dụ, áo len cũ có thể làm thành giày len; quần áo cũ có thể làm thành cây lau nhà; chai nhựa cũ thành chậu hoa. Cải tạo đồ cũ có chi phí thấp nhưng lợi nhuận mang lại không nhỏ và có thể áp dụng hàng ngày.
Đồ nhỏ, tác dụng lớn
Có câu “Bữa ăn nghìn đô không thể thiếu gói muối một đô” ý nói một thứ dù giá trị nhỏ đến đâu cũng có vai trò của nó và không thể thiếu. Vì giá trị món ăn tăng lên, giá trị của muối cũng theo đó tăng lên.
Trong kinh tế học, có “hiệu ứng cá trê”. Người bán cá thường dùng thủ thuật trộn lẫn một lượng nhỏ cá trê rẻ tiền vào cá mòi giá cao. Nếu bán riêng, cá trê không được mấy tiền nhưng bán lẫn, cá trê sẽ có giá rất cao.
Nhìn quanh chúng ta, có vật dụng nhỏ nào có thể kết hợp với vật dụng lớn để kiếm tiền không? Ví dụ, hành tỏi, nếu bán trực tiếp giá sẽ bình thường, nhưng nếu chế biến thành gói gia vị, giá sẽ khác biệt.
Đồ tốt, dùng nhiều
Có những món đồ phát hiện hữu dụng, bạn hãy mở rộng quy mô buôn bán. Cùng một món đồ, tần suất sử dụng càng cao, chu kỳ quay vòng càng ngắn, dù lợi nhuận nhỏ cũng có thể mang lại nhiều tiền.
Vì thế trong thói quen kiếm tiền của bạn nên có thêm yếu tố “đúng sở thích”.
Đồ lớn, chia dùng
Có một tài xế công nghệ để kiếm nhiều hơn đã cho người khác thuê xe vào ban đêm, nhờ đó có thêm một khoản tiền. Với hai tài xế, thu nhập của chiếc xe đã tăng lên. Nhiều người khác cho thuê ngôi nhà lớn không được đã chia nhỏ ra vừa được giá hơn, dễ cho thuê hơn.
Hãy xem nhà bạn có món nào có thể dùng chung không? Máy làm sữa đậu nành, nếu bạn chỉ dùng vài lần một năm, thời gian còn lại có thể cho thuê. Học cách chia sẻ cũng giúp tăng tần suất sử dụng của đồ ít dùng và có thể sinh lợi.
Tiền bạc, dùng chậm
Nhiều người giàu thường rất tiết kiệm, thậm chí là keo kiệt. Những người không có nhiều tiền lại chi tiêu hoang phí.
Muốn làm giàu hãy nhớ khẩu quyết “kiếm tiền nhanh, chi tiêu chậm”. Nhiều khi bạn muốn chi tiêu là do bốc đồng. Khi chậm lại một chút, có thể bạn sẽ bớt ham muốn mua sắm, dần tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.
Ví dụ, một chiếc váy đẹp làm bạn xiêu lòng bởi lời nói của người bán. Nhưng bạn không mua ngay, mà về nhà hỏi ý kiến người thân, tra giá trên mạng, nghe bị chê “không đẹp lắm” thì ham muốn mua giảm đi. Vài ngày sau, có thể bạn sẽ quên đi. Thu nhập cao, chi tiêu thấp, việc bạn trở nên giàu có là lẽ dĩ nhiên.
Nên nhớ tiền là hữu hình, cũng là vô hình. Nuôi dưỡng thói quen kiếm tiền và tiêu tiền, đó mới là tự do tài chính thực sự.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/6-thoi-quen-giup-ngay-cang-giau-co-4811520.html