Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 là béo phì. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, cơ xương khớp, vô sinh…
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Ngân, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết béo phì ảnh hưởng đến hệ hô hấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Khi cơ thể tăng cân, mỡ thừa tích tụ trong vùng bụng nhiều hơn, gây áp lực và đẩy cơ hoành lên cao. Điều này làm giảm không gian cho phổi nở rộng, từ đó hạn chế khả năng co giãn của phổi trong quá trình hô hấp. Những thay đổi này dẫn đến giảm oxy hóa máu, khó hít thở, nhất là trong lúc ngủ.
Các rối loạn hô hấp liên quan đến béo phì gồm hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và hội chứng giảm thông khí do béo phì (OHS). Ở mức độ nhẹ, người thừa cân có thể bị gián đoạn giấc ngủ, ngủ ngáy, mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt. Tình trạng giảm oxy máu kéo dài gây ra một loạt rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến mạch máu não, tim. Lúc này nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ do tắc mạch não, xuất huyết não… có thể xảy ra.
Béo phì cũng làm tăng nặng tình trạng bệnh hen suyễn, có nguy cơ phát triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Cụ thể là tình trạng viêm trong đường thở và giảm khả năng làm sạch chất nhầy. Tình trạng viêm trong đường thở tăng lên cũng khiến người béo phì dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Theo bác sĩ Ngân, béo phì làm suy yếu phản ứng miễn dịch đối với virus cúm, vaccine cúm thông qua những thay đổi của hệ thống miễn dịch tế bào. So với người lớn khỏe mạnh được tiêm vaccine, người lớn béo phì đã tiêm vaccine có nguy cơ mắc bệnh cúm hoặc các bệnh giống cúm cao hơn.
Bác sĩ khuyến cáo người thừa cân có dấu hiệu khó thở, ngủ ngáy, suy giảm chất lượng giấc ngủ… nên chủ động khám. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp X-quang và CT để quan sát thay đổi về cấu trúc của phổi, lồng ngực, mức độ tích tụ mỡ quanh vùng bụng, ngực để chẩn đoán chức năng hô hấp. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ để xác định cụ thể bệnh lý hô hấp.
“Giảm cân là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị rối loạn chức năng hô hấp ở người béo phì”, bác sĩ Ngân nói. Người béo phì nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ tập luyện phù hợp đảm bảo an toàn, áp dụng chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát cân nặng. Người béo phì mắc OSA hay có hội chứng giảm thông khí do nên sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Đây là thiết bị giúp duy trì đường thở mở trong khi ngủ, giảm số lần ngưng thở, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
Trong một số trường hợp, người bệnh béo phì có thể được chỉ định giảm cân bằng phẫu thuật. Phẫu thuật nạo VA, điều chỉnh vách ngăn mũi, chỉnh hình hàm dưới cũng cải thiện đường thở, giảm triệu chứng của OSA.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/beo-phi-anh-huong-den-he-ho-hap-the-nao-4818348.html