‘Bảo tàng ở Việt Nam chưa hấp dẫn người trẻ’

Ý kiến được đưa ra tại tọa đàm Truyền thống – Văn hiến – Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại, chiều 7/11. Ba diễn giả gồm Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính, Tiến sĩ Nguyễn Quang, Thạc sĩ Phạm Minh Quân bàn về các không gian sáng tạo ở thủ đô.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều bảo tàng trong nước có nguồn tư liệu phong phú, quý báu. Chẳng hạn, Bảo tàng Hà Nội hiện lưu giữ 70.000 tài liệu hiện vật, tư liệu nhiều giai đoạn, từ thời đồ đá cho đến hiện đại. Tuy nhiên, nguồn tài sản này bị giảm giá trị vì không được nhiều người biết đến.

Họa sĩ Xuân Bính cho biết từng chứng kiến nhiều trường tổ chức cho học sinh đến bảo tàng một cách “phản cảm”: “Có những lúc 10, 20 xe khách cùng đỗ xuống, các cháu ùa vào một lúc rồi đi ra. Thậm chí không có ai hướng dẫn học sinh”. Họa sĩ đánh giá cách làm này không hiệu quả. Vì thế, trên giấy tờ, số lượng khách là thiếu niên đến thăm có thể đông, nhưng không thực chất.

Ông nêu thêm việc nhiều họa sĩ, ban quản lý các bảo tàng chưa quan tâm đến việc thiết kế không gian trưng bày đẹp, đặc sắc, thu hút người xem. Đa số chỉ có những phòng trưng bày cố định, hết họa sĩ này đến họa sĩ khác cùng triển lãm trong không gian giống hệt nhau.

Họa sĩ cho rằng khán giả tương lai của các bảo tàng là giới trẻ, người nước ngoài. “Người xem phải có cảm giác thích thú, muốn được chụp ảnh. Từng chi tiết nhỏ từ cổng vào, toilet đều cần đẹp đẽ, tươm tất. Ngoài ra, vấn đề con người cũng cần được phát triển. Khách đến tham quan cần được tiếp đón, hướng dẫn”, ông nói.

Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự, ngày 1/11. Ảnh: Giang Huy

Tiến sĩ Nguyễn Quang, Thạc sĩ Phạm Minh Quân đồng ý với nhận định. Họ mong muốn các bảo tàng chuyển mình theo xu hướng mới, tự chủ về tài chính, không phụ thuộc Nhà nước hỗ trợ. Để làm được điều đó, họ phải xây dựng không gian hấp dẫn, làm tiền đề thu phí vào cửa cao hơn.

Ông Nguyễn Quang cho rằng các không gian nghệ thuật nói chung, bảo tàng nói riêng, muốn thu hút thì phải tiếp cận trên góc nhìn của người trẻ, tương tác với xã hội nhiều hơn. Ông lấy ví dụ ở lĩnh vực âm nhạc, See tình của Hoàng Thùy Linh pha trộn nhiều nét dân ca của Việt Nam với tiết tấu sôi động, hiện đại, nên có khả năng lan truyền. Hay nghệ sĩ Bạch Tuyết, được mệnh danh “cải lương chi bảo”, từng kết hợp với rapper Wowy.

“Trong thế giới toàn cầu hóa, các lĩnh vực đan xen nhau, nghệ sĩ nên thoát khỏi góc nhìn chuyên ngành riêng biệt. Bảo tàng chính là nơi để nhiều không gian, lĩnh vực khác nhau gặp gỡ, rồi từ sự gặp gỡ đó sẽ tạo nên sự sáng tạo mới. Không gian đó không chỉ dành cho người Việt mà phải hướng đến toàn cầu”, ông Quang nói.

Một số địa điểm như Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quân sự thời gian qua thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày nhờ khu vực trưng bày sinh động, nội dung diễn giải ý nghĩa. Năm 2023, nhà nghiên cứu văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) từng nhận định nhu cầu giải trí của người Việt, nhất là giới trẻ đang dần nghiêng sang tìm hiểu lịch sử, đặc biệt là sau hai năm dịch.

Hình ảnh trong tour đêm ở Nhà tù Hỏa Lò – nơi thu hút độc giả trẻ nhờ đổi mới cách thức truyền thông và trưng bày. Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò

“Thay vì sống theo sở thích cá nhân, các bạn trẻ bắt đầu có trách nhiệm với cuộc sống, cộng đồng. Họ bắt đầu tìm đến các địa điểm lịch sử, khu di tích không phải để check-in “sống ảo”, mà thực tâm tìm về cội nguồn, mong được hiểu biết, nhất là khi được tiếp cận kiến thức lịch sử một cách mềm mại, dễ hiểu”, bà Hồng nói. Tuy nhiên, ngoài một số địa điểm đang nỗ lực làm mới, đa số bảo tàng vẫn vận hành theo phương thức, mô hình cũ từ nhiều năm trước.

Từ phải sang: Thạc sĩ Phạm Minh Quân, họa sĩ Ngô Xuân Bính, Tiến sĩ Nguyễn Quang tại tọa đàm ngày 7/11. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội – cho biết để từng bước thay đổi, đơn vị ra mắt trung tâm nghiên cứu trong tháng này, cùng các chuyên gia vạch ra những biện pháp mới với mục tiêu thu lợi nhuận tốt, “lấy văn hóa để nuôi văn hóa”.

Trước mắt, Bảo tàng Hà Nội kết hợp họa sĩ Ngô Xuân Bính thử nghiệm tổ chức triển lãm gốm Hiện linh theo phương pháp mới, ngày 10/11. Mỗi hiện vật được gắn chíp định danh trên nền tảng số. Người xem có thể quét mã, xem thông tin trên không gian mạng.

Tọa đàm do Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức, dịp Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch về các hoạt động khi tham gia mạng lưới “thành phố sáng tạo UNESCO”.

Hà Thu

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/bao-tang-o-viet-nam-chua-hap-dan-nguoi-tre-4813648.html