Hai năm trước da của Thịnh nổi hồng ban, loét miệng, đau cơ, xương khớp, bác sĩ chẩn đoán lupus ban đỏ tổn thương máu, kê đơn thuốc ức chế miễn dịch, hẹn tái khám định kỳ. Vài ngày trước, bé đi tiểu màu sẫm, có bọt, xét nghiệm nước tiểu tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho thấy đạm niệu cao, có hồng cầu (tiểu ra máu) kèm tổn thương ống thận, xác định lupus ban đỏ đã gây tổn thương đến thận. Bác sĩ chỉ định sinh thiết để chẩn đoán thêm.
Dựa trên kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc ức chế miễn dịch kết hợp thuốc giảm đạm niệu cho bệnh nhi. Bé cần ăn nhạt, ít muối, hạn chế tiếp xúc ánh nắng, tốt nhất trước 8h và sau 17h, nếu ra nắng cần che chắn cẩn thận.
Kết quả siêu âm ổ bụng bệnh nhi chưa phát hiện bất thường, chỉ định sinh thiết chẩn đoán thêm. Ảnh: Phòng khám cung cấp
Lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn. Bình thường nếu cơ thể bị nhiễm trùng hoặc nhiễm siêu vi sẽ tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân bên ngoài. Bệnh lupus tạo ra các kháng thể bất thường tấn công ngược lại chính cơ thể gây tổn thương đa cơ quan như máu, da, viêm khớp, gan, thận, thần kinh, não… có thể dẫn đến tử vong.
Theo ThS.BS.CKI Hạp Tiến Lộc, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, trường hợp bé Thịnh phát hiện và can thiệp sớm nhưng bệnh vẫn có khả năng tiến triển nặng. “Tổn thương thận do lupus ban đỏ có thể dẫn đến suy thận”, bác sĩ Lộc nói, thêm rằng lupus ban đỏ là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm. Nhiều yếu tố thúc đẩy kích hoạt quá trình tự miễn gây tổn thương cơ quan như tiếp xúc ánh nắng nhiều, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp, nhiễm siêu vi…
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trưởng thành, ít khi xảy ra ở trẻ, nhất là bé trai. Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền từ người thân trong gia đình, tác động của môi trường, giới tính (nữ giới bị nhiều hơn nam)… Các triệu chứng của bệnh này ở trẻ nhỏ thường là nổi hồng ban ở đầu, cánh tay, ngực hoặc hồng ban cánh bướm ở sống mũi, má. Trẻ có thể sốt cao, loét miệng, rụng tóc, tổn thương thận, da nhạy cảm với ánh mặt trời, đau khớp…
Bệnh nhi bị lupus ban đỏ được siêu âm bụng đánh giá mức độ tổn thương trên các cơ quan. Ảnh minh họa: Phòng khám cung cấp
Bệnh được điều trị bằng cách giảm nhẹ triệu chứng. Ở thể nhẹ, trẻ được chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (hay NSAIDs) để làm dịu đi những cơn đau khớp hoặc corticosteroid nhằm kiểm soát tình trạng viêm, thuốc ức chế miễn dịch…
Trẻ cần ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như canxi, vitamin C, D, A… Trẻ nên vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh không tự ý tăng giảm liều hoặc ngưng điều trị cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Đình Lâm
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/be-trai-ton-thuong-than-do-lupus-ban-do-4868381.html