Trong tuần qua, các ngân hàng có sự tăng giảm trái chiều lãi suất huy động. Lãi suất huy động GPBank vừa điều chỉnh giảm 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Đáng chú ý, sau đợt điều chỉnh này, GPBank không còn là nhà băng có lãi suất huy động cao nhất đối với kỳ hạn 13-36 tháng.
Theo đó, kỳ hạn 1 tháng giảm xuống còn 3,5%/năm; 2 tháng 4%/năm; 3 tháng là 4,02%/năm; 4 tháng giảm xuống 4,04%/năm; 5 tháng là 4,05%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 7 tháng còn lần lượt 5,35%/năm và 5,45%/năm; kỳ hạn 8 tháng và 9 tháng lần lượt giảm xuống 5,6% và 5,7%/năm. Kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,05%/năm; mức cao nhất 6,35%/năm đối với các kỳ hạn 13-36 giảm còn 6,15%/năm.
Như vậy, tính từ đầu tháng 12 đến nay, đã có 8 ngân hàng giảm lãi suất huy động, bao gồm: ABBank, VIB, IVB, LPBank, Bac A Bank, KienLongBank, NCB và GPBank.
Ở chiều ngược lại, có 11 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: ABBank, IVB, TPBank, GPBank, MSB, Dong A Bank, ABBank, OCB, VIB, Cake by VPBank và CB. Trong đó, ABBank đã 2 lần tăng lãi suất trong tháng 12.
Khách hàng muốn gửi lãi suất cao kèm theo điều kiện. Cụ thể, PVcomBank hiện đang dẫn đầu về lãi suất đặc biệt khi khách hàng gửi tiền tại quầy, với 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện để được trả mức lãi suất này là khách hàng phải có số dư tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Lãi suất huy động tăng giảm giữa các ngân hàng nhưng ở mức thấp. |
HDBank với lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn 18 tháng.
MSB áp dụng mức lãi suất 8% cho kỳ hạn 13 tháng và 7% cho kỳ hạn 12 tháng với số tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng và khách hàng phải có sổ tiết kiệm mới mở hoặc tự động gia hạn.
Nhìn chung lãi suất huy động các ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp dù tăng giảm trái chiều.
Trong khi đó, ở chiều ra lãi suất cho vay được ghi nhận đang ở mức thấp kỷ lục. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,7-9,1%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Tại cuộc họp báo mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng cho biết, nguồn vốn huy động năm 2024 đảm bảo hài hoà, lãi suất đầu ra đã giảm tích cực. Tính đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96% so với đầu năm (sau khi đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023).
Ông Nguyễn Hữu Huân – giảng viên cao cấp Học Viện Kinh tế TPHCM – cho biết, việc Fed giảm lãi suất tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bao gồm giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp ổn định và tăng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này gặp phải khó khăn khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Theo đó, Fed giảm lãi suất sẽ tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước. Về cơ bản khi tỷ giá bớt áp lực và trong bối cảnh đồng USD hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá. Điều này giúp ổn định tiền tệ và hạ lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp dễ dàng hơn.
Theo ông Huân, về tín dụng, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay hoàn toàn đạt được khi các ngân hàng tăng tốc với lãi suất cho vay thấp như hiện nay.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/bien-dong-lai-suat-ngan-hang-sau-quyet-dinh-cua-fed-post1702915.tpo