Bộ trưởng tiếp công dân chưa đầy đủ, đề nghị Chính phủ làm rõ

Ngày 26-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết công tác tiếp công dân có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, đạt kết quả tích cực.

Bộ trưởng tiếp công dân chưa đầy đủ, đề nghị Chính phủ làm rõ- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Các bộ ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp tiếp công dân ở một số địa phương.

  • Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Không ủy quyền cho cấp phó khi tiếp công dân

  • Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân

  • Công tác tiếp công dân: Bộ ít, tỉnh không cao, xã thấp

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc trực tiếp tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (92%), tiếp theo là cấp huyện (85%) và cấp tỉnh (81%); tuy nhiên, đối với cấp bộ thì chỉ đạt 48%.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc người đứng đầu các cơ quan hành chính, nhất là việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, các cơ quan đã chú trọng và dành nhiều sự quan tâm hơn đối với công tác kiểm tra, rà soát và việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích đầy đủ để làm rõ sự chuyển biến của tình hình trong năm 2024. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung nội dung này, đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc và lộ trình xử lý, giải quyết đối với những vụ việc chưa có kết quả kiểm tra, rà soát.

Về dự báo tình hình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ năm 2025, vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và cơ sở sản xuất phát sinh nhiều khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường gần khu dân cư sinh sống.

Có thể phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác nhân sự, việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật… Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.

Báo cáo của Chính phủ về kết quả tiếp công dân cho thấy, trong năm 2024, các cơ quan hành chính đã tiếp 363.245 lượt người về 290.497 vụ việc, có 3.687 đoàn đông người. Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 453 lượt người về 392 vụ việc; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 7 lượt người. Chính phủ cũng nhìn nhận công tác tiếp công dân có chuyển biến so với trước nhưng thủ trưởng một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo số ngày tiếp theo quy định.

Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/bo-truong-tiep-cong-dan-chua-day-du-de-nghi-chinh-phu-lam-ro-196241126101947565.htm