ThS.BS Nguyễn Thế Thu, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất, khoảng 69 trong số đó có thể gây ung thư. Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tương tự hút thuốc lá trực tiếp. Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ. Người hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc lá thường xuyên dễ gặp các vấn đề về phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư bàng quang và ung thư đường niệu. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, trong đó có sinh non.
Trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với khói thuốc lá do cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Các vấn đề có thể gặp gồm nhiễm trùng tai, hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nguy cơ mắc u não và ung thư phổi.
Bác sĩ Thu khuyến cáo mọi người tránh xa khu vực có người hút thuốc. Nếu gia đình có người hút thuốc cần đề nghị họ không hút thuốc trong nhà hoặc xe hơi, kể cả những không gian kín như phòng tắm hay phòng ngủ. Bởi khói thuốc vẫn có thể lan truyền khắp nhà bằng cách len lỏi qua các lối ra vào, khe cửa, vết nứt trên tường, hệ thống thông gió, âm thầm gây hại cho sức khỏe của gia đình.
“Khói thuốc lá có thể tồn tại trong phòng tới 5 giờ. Các hạt từ khói thuốc lá lắng đọng trên bề mặt tường và các đồ dùng có thể tồn tại trong nhiều tháng”, bác sĩ Thu nói. Gia đình nên mở cửa sổ, sử dụng quạt, điều hòa, máy lọc không khí để loại bỏ bớt khói thuốc. Thường xuyên giặt giũ, vệ sinh đồ dùng như rèm, màn, chăn gối giúp giảm lượng chất độc từ khói thuốc bám trên quần áo, rèm cửa và đồ nội thất.
Bác sĩ Thu cho biết nhiều người hay nghĩ khói thuốc lá điện tử không độc hại nên có thể hút trong nhà. Tuy nhiên, khói từ thuốc lá điện tử cũng chứa các hóa chất gây ung thư, kim loại nặng như niken, thiếc và chì, cùng nhiều hóa chất gây hại cho sức khỏe. Nên tránh xa cả khói thuốc lá điện tử.
Nâng cao sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các hóa chất độc hại từ khói thuốc tốt hơn. Tăng cường sức khỏe phổi bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (vitamin C, E). Một số thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có tác dụng giảm viêm phổi nên sử dụng gồm nghệ, rau lá xanh, quả óc chó, các loại đậu, việt quất, ô liu, lá trà xanh. Thực hiện bài tập thở chúm môi, thở cơ hoành, tập thể dục thường xuyên cũng cải thiện chức năng phổi rất tốt.
Người sống cùng người hút thuốc lá cần tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, nhất là tầm soát các bệnh hô hấp và ung thư phổi. Tiêm vaccine cúm và phế cầu theo tư vấn của bác sĩ giúp tăng cường đề kháng, chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/cach-giam-nguy-co-ung-thu-khi-song-chung-nguoi-hut-thuoc-4821294.html