Phổi đóng vai trò cung cấp oxy và thải khí CO2 cho cơ thể. Các bệnh lý như cúm hay Covid-19 có thể khiến phổi tổn thương. Virus cúm có thể gây viêm phổi cấp, phá hủy lớp tế bào đường thở, khiến người bệnh dễ nhiễm trùng thứ phát. nCoV tấn công hệ hô hấp. Trong trường hợp nặng, virus này có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tổn thương phổi lan rộng do phản ứng viêm quá mức.
TS.BS Đặng Thị Mai Khuê, Phó trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết phổi không tự tái tạo mạnh như gan nhưng vẫn có khả năng tự phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách. Ngay khi ngừng tiếp xúc với tác nhân gây hại, phổi bắt đầu tự làm sạch và hồi phục.
Tránh khói thuốc lá
Khói thuốc chứa hàng trăm hợp chất độc hại, phá hủy phế nang và gây viêm đường thở. Đây là yếu tố nguy cơ của ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Phụ nữ có thai tiếp xúc với khói thuốc lá có thể ảnh hưởng đến lá phổi của thai nhi.
Bác sĩ Mai Khuê khám chức năng hô hấp cho bệnh nhân hậu nhiễm cúm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Cải thiện chất lượng không khí trong nhà
Ô nhiễm từ bụi mịn PM2.5, hóa chất gia dụng hay nấm mốc đều ảnh hưởng xấu đến phổi, nhất là người vừa mắc bệnh hô hấp. Sử dụng máy lọc không khí, lau dọn thường xuyên và giữ không gian sống thoáng đãng giúp giảm nguy cơ viêm phổi tái phát. Thường xuyên làm sạch rèm cửa, ra giường… còn hạn chế hen phế quản trở nặng.
Tập thể dục đều đặn
Khi vận động, tim và phổi làm việc mạnh mẽ hơn để cung cấp oxy, từ đó tăng sức bền hô hấp. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ 30 phút mỗi ngày hay hít thở sâu phù hợp với người lớn tuổi hoặc đang hồi phục sau mắc bệnh. Tập luyện thở cơ hoành cũng cải thiện được chức năng phổi ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, hen phế quản.
Giữ ấm cơ thể
Duy trì độ ẩm, uống nhiều nước, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh hoặc không khí khô để phòng ngừa các đợt cấp COPD hay hen phế quản. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng, kết hợp giữ ấm cổ và ngực để bảo vệ phổi.
Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng kéo dài làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp. Hít thở sâu, ngủ đủ giấc giúp cơ thể cân bằng, hỗ trợ phổi hoạt động hiệu quả hơn. Một giấc ngủ chất lượng 7-8 tiếng mỗi đêm cũng là thời gian để phổi tái tạo sau ngày dài làm việc.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau củ quả, trà xanh, việt quất, các loại đậu, cà chua có tác dụng giảm viêm, bảo vệ mô phổi. Sau khi nhiễm cúm, người bệnh nên hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, caffeine hay rượu bia để giảm gánh nặng cho hệ hô hấp.
Bác sĩ Mai Khuê khuyến cáo người mắc các bệnh về phổi cần khám định kỳ để tầm soát, bảo vệ phổi lâu dài. Chụp X-quang ngực, đo chức năng hô hấp giúp phát hiện sớm các vấn đề như lao phổi, viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay ung thư phổi.
Phương Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/cach-giup-phoi-phuc-hoi-sau-khi-khoi-cum-4868567.html