Dược sĩ Đỗ Xuân Hòa, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết độ pH tự nhiên của âm đạo dao động 3,8-4,5, khi mất cân bằng pH có thể dẫn đến nhiễm trùng. Những vấn đề này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, ham muốn tình dục. Dưới đây là những cách giúp phụ nữ phòng tránh các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục.
Tình dục an toàn: Tình dục không an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng lây qua đường tình dục như chlamydia, lậu, giang mai, HIV, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Quan hệ thô bạo dễ chấn thương vùng chậu dẫn đến đau, chảy máu hoặc viêm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại sẹo, làm suy giảm chức năng sinh lý.
Điều trị các tình trạng sức khỏe liên quan: Các bệnh như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu gây đau khi quan hệ. Phẫu thuật vùng chậu và một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể để lại sẹo, đau. Kháng sinh làm mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên, tăng nguy cơ nhiễm nấm. Phụ nữ cần điều trị các bệnh này, duy trì sức khỏe tổng thể ổn định.
Tránh thai và vệ sinh an toàn: Các biện pháp tránh thai như bao cao su, thuốc diệt tinh trùng có thể gây kích ứng cơ quan sinh dục. Sản phẩm vệ sinh như thuốc xịt, thụt rửa dễ gây mất cân bằng vi khuẩn, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Phái đẹp cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn phương pháp tránh thai an toàn, vệ sinh vùng kín đúng cách.
Tránh căng thẳng: Lo âu, trầm cảm làm giảm mức độ kích thích khi quan hệ, tạo cảm giác khó chịu. Chăm sóc đời sống tinh thần, thư giãn bằng các sở thích như đi dạo, nghe nhạc, tập thể dục… là cách bảo vệ sức khỏe.
Ổn định hormone: Giảm hormone estrogen làm niêm mạc âm đạo mỏng, khô, gây đau khi quan hệ. Phụ nữ gặp tình trạng thay đổi hormone cần được theo dõi để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Phụ nữ nên ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, vận động thường xuyên. Bổ sung tinh chất từ thiên nhiên như lepidium meyenii chứa amino axit, sterol, alkaloid và glufosinate hỗ trợ cơ thể sản sinh đủ nội tiết tố, từ đó cải thiện sinh lý, sắc đẹp.
Dược sĩ Hòa cho biết âm đạo khỏe mạnh chứa vi khuẩn có lợi, hỗ trợ chuyển hóa glycogen thành axit lactic, duy trì môi trường axit, ngăn viêm nhiễm. Để kiểm tra pH, phụ nữ có thể sử dụng bộ dụng cụ tại nhà, nếu gặp triệu chứng mất cân bằng pH nên đi khám, điều trị phù hợp.
Ngoài chế độ ăn cân bằng với nhiều trái cây, rau xanh và thực phẩm giàu probiotic như sữa chua, uống đủ nước và tập thể dục thường xuyên cũng tăng cường sức khỏe tổng thể. Phái nữ hạn chế sử dụng sản phẩm có hóa chất mạnh, tránh quan hệ tình dục không an toàn để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/cach-phong-benh-phu-khoa-4817441.html