‘Chấn chỉnh việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Bắc Ninh’

Trong công văn ngày 25/10, Cục cho biết sự kiện diễn ra ở đền thờ Lý Thường Kiệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong có tên là Liên hoan hát văn, chầu văn nhưng nội dung tối 24/10 lại là biểu diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên sân khấu.

Văn bản nêu: ”Đây là hoạt động diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, xâm phạm tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể”. Theo cơ quan chức năng, điều này không đúng tinh thần Công ước 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, vi phạm nghị định số 39 quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đơn vị cũng chỉ ra một số nguyên tắc của thực hành di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có: “Không phổ biến và thực hành sai lệch nội dung di sản; Bảo đảm tôn trọng và bảo vệ giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, tập quán, tính thiêng của nghi lễ và không gian thực hành”.

Phần biểu diễn của nghệ nhân tại Liên hoan. Ảnh: Bắc Ninh Online

Theo Cục Di sản Văn hóa, việc vi phạm nghiêm trọng Công ước 2003 như trên, nếu được thể hiện trong Báo cáo quốc gia có thể bị UNESCO nhắc nhở, thậm chí xem xét, rút danh hiệu, ảnh hưởng tới cộng đồng chủ thể di sản ở hơn 22 tỉnh, thành phố. Cục đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh báo cáo kết quả xử lý về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 1/11.

Liên hoan hát văn, chầu văn tỉnh Bắc Ninh lần thứ hai do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Yên Phong tổ chức ngày 24-25/10. Sự kiện quy tụ gần 400 nghệ nhân, thanh đồng, cung văn, các diễn viên, nhạc công của 13 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ tám huyện, thị xã, thành phố. Buổi diễn hầu đồng có sự tham gia của một số nghệ nhân như Nguyễn Trần Tuấn Anh, Trần Thị Chung, Nguyễn Văn Được.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại hồi tháng 12/2016. Thực hành cơ bản của tín ngưỡng bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy ở tỉnh Nam Định, diễn ra ngày 3/3 âm lịch (ngày mất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh).

Phương Linh

Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/chan-chinh-viec-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-tai-bac-ninh-4808578.html