Nghị định 168/2024 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, mức xử phạt vi phạm hành chính với nhiều lỗi khi tham gia giao thông tăng cao, xuất hiện tình trạng một số người vi phạm không đến giải quyết vụ việc. Thậm chí một số người có ý kiến sẽ bỏ phương tiện vi phạm vì “giá trị chiếc xe không bằng tiền nộp phạt”.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an), cho biết việc tăng mức phạt đã bước đầu có hiệu quả khi người dân chấp hành tốt khi tham gia giao thông, góp phần giảm tai nạn và xây dựng hình ảnh văn minh đô thị. Tình hình giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, người điều khiển phương tiện đã xếp hàng tuân thủ quy định trước vạch dừng đèn tín hiệu.
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, dù quy định xử phạt rất nghiêm khắc nhưng lượng vi phạm bị phát hiện vẫn còn cao nên cần tiếp tục kiên trì duy trì đồng bộ các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật, xử lý các trường hợp vi phạm. Với các quy định mới cộng với sự đồng tình của xã hội, hy vọng rằng khi đó tình hình trật tự an toàn giao thông sẽ có nề nếp, văn minh hơn.
Đối với việc bị phạt cao dẫn đến người vi phạm có thể bỏ xe, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng việc tạm giữ phương tiện vẫn là cần thiết vì để xác minh và ra quyết định xử phạt, ngăn chặn vi phạm khẩn cấp, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
“Không có chuyện người vi phạm giao thông bỏ xe, không chấp hành xử phạt là sẽ thoát tội. Thay vào đó, khi người điều khiển bị tạm giữ giấy phép lái xe thì sẽ không được cấp/đổi, trên hệ thống quản lý của CSGT đã xác nhận giấy phép lái xe bị tạm giữ không đến xử lý thì sẽ không có giấy phép lái xe, sẽ không có quyền điều khiển phương tiện tham gia giao thông”- đại tá Nhật khẳng định.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/che-tai-nao-voi-nguoi-bo-phuong-tien-vi-pham-khi-thay-muc-phat-cao-196250111094530661.htm