Nguy hiểm hơn cả đại dịch COVID-19
Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới”. Sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024.
GS Susan Solomon, Chủ nhiệm Chương trình Khí quyển, Đại dương và Khí hậu tại Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ chia sẻ, ô nhiễm không khí là vấn đề mà nhân loại phải gánh chịu trong nhiều thập kỷ qua, là nguyên nhân gây tử vong hàng triệu người mỗi năm. Bà cho rằng, ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng như thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm qua, đòi hỏi chúng ta phải cấp thiết giải quyết.
Miền Bắc trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ đầu mùa đông đến nay. Ảnh: Như Ý |
GS Yafang Cheng – Giám đốc của Khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức), người từng trực tiếp tham gia vào chiến dịch cải thiện ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh chia sẻ, hằng ngày chúng ta hít vào hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu hạt bụi trong không khí. Đó là lý do vì sao ô nhiễm không khí gây ra cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Trích dẫn từ một nghiên cứu trong năm 2019, GS Yafang Cheng cho biết, ô nhiễm không khí gây ra cái chết của khoảng 9 triệu người. “Con số này lớn hơn số người chết từ đại dịch COVID-19. Điều đó cho thấy vấn đề này nghiêm trọng hơn cả đại dịch, cần giải quyết càng sớm càng tốt”, GS Yafang Cheng nói.
Miền Bắc bước vào mùa ô nhiễm:
Theo ghi nhận của Cục kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khoảng tháng 10 đến nay, miền Bắc ghi nhận nhiều ngày chất lượng khí ở ngưỡng kém (có hại cho những người nhạy cảm), ngưỡng xấu (có hại cho tất cả mọi người), đáng lưu ý có một số thời điểm, ô nhiễm không khí lên ngưỡng rất xấu (rất có hại cho tất cả mọi người). Các chuyên gia khuyến cáo, thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, miền Bắc trải qua mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Người dân có thể theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực trên các ứng dụng như PAM Air hay VN Air để có biện pháp bảo vệ sức khoẻ như đeo khẩu trang có khả năng chống bụi mịn PM2,5 khi ra ngoài, đóng các cửa sổ, cửa chính, dùng nước muối sinh lý rửa mũi, rửa mắt khi về nhà.
Từ thực tế kiểm kê phát thải ở một số địa phương tại Việt Nam, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, mỗi địa phương tại Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau, nguồn thải khác nhau nhưng nhìn chung có thể thấy giao thông, sản xuất công nghiệp là các nguồn thải lớn, chẳng hạn như TPHCM, Hà Nội nguồn phát thải từ giao thông rất lớn, tại Đồng Nai, Bình Dương, nguồn thải chủ yếu tập trung ở hoạt động sản xuất công nghiệp.
Cần cắt giảm tận gốc các nguồn phát thải
Chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu ô nhiễm không khí, GS Yafang Cheng cho biết, cắt giảm tận gốc các nguồn phát thải. Bà cho rằng, Trung Quốc đã chính xác khi áp dụng khoa học để định hướng giảm phát thải với việc sử dụng khoa học công nghệ để xác định các nguồn thải lớn, các chất gây ô nhiễm quan trọng, các đối tượng cần cắt giảm phát thải. Bà gợi ý, có thể sử dụng mạng lưới quan trắc kết hợp với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, vệ tinh để theo dõi, đánh giá thực trạng, diễn biến ô nhiễm không khí. Trên cơ sở đó xây dựng một lộ trình giải quyết vấn đề.
GS Yafang Cheng chia sẻ thêm, cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả chính quyền và người dân, không chỉ ở vấn đề tập trung tài chính, nguồn lực mà cần đẩy mạnh chiến dịch truyền thông, giáo dục, giúp mọi người thay đổi về tư duy, cùng chung tay thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng, để làm rõ nguyên nhân, xây dựng giải pháp và lộ trình cải thiện chất lượng không khí, các địa phương cần thực hiện kiểm kê các nguồn phát thải. Ông cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng không khí, giúp người dân bảo vệ sức khoẻ khi xảy ra các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. PGS Bằng đề xuất, bên cạnh việc đầu tư các hệ thống quan trắc tự động liên tục đạt chuẩn (đòi hỏi đầu tư lớn về tài chính và nhân lực), Việt Nam có thể sử dụng một số hệ thống quan trắc giá rẻ, sau đó hiệu chỉnh, kiểm định tốt rồi dùng AI thực hiện dự báo, cảnh báo các đợt ô nhiễm. Ông cũng lưu ý, cần quan tâm các nguồn phát thải mới, chẳng hạn như nguồn ô nhiễm từ hoạt động vận tải biển.
GS Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ) cho rằng cần quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng tái tạo để thay thế cho các nguồn nhiên liệu hoá thạch, đồng thời Chính phủ phải có giải pháp để các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước và không khí.
Nguồn bài viết : https://tienphong.vn/chuyen-gia-quoc-te-hien-ke-giam-o-nhiem-khong-khi-post1697918.tpo