Cuộc đời Charles Ponzi – ‘cha đẻ’ của trò lừa đảo đa cấp

Dù ít người ngoài giới tài chính biết Charles Ponzi là ai, song hầu hết mọi người đều có thể đoán được ông ta nổi tiếng vì điều gì, căn cứ vào từ Ponzi.

Thuật ngữ “kế hoạch Ponzi” hay “kế hoạch kim tự tháp” dùng để chỉ một trò lừa đảo đầu tư mà tiền từ nhà đầu tư mới liên tục được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư trước đó, đồng thời làm giàu cho người tạo ra kế hoạch. Trò lừa đảo sụp đổ khi không còn nhà đầu tư mới.

Charles Ponzi không phải là người đầu tiên sử dụng trò lừa đảo này để kiếm tiền, nhưng là người nổi tiếng nhất và do đó thủ đoạn này được đặt theo tên ông ta.

Ponzi sinh năm 1882 tại Italy trong gia đình khá giả. Trong 4 năm tại Đại học Rome, ông nướng hết tiền bố mẹ chu cấp vào các cuộc vui chơi đua đòi, cuối cùng vừa hết tiền, vừa bị đuổi học, quyết định đi tìm “giấc mơ Mỹ”.

Tháng 11/1903, ông ta mang 200 USD lên tàu và chỉ còn 2,5 USD khi cập cảng Boston, vì đã nướng cả vào cờ bạc. “Tôi đã hạ cánh xuống đất nước này với 2,5 đô la tiền mặt và một triệu đô la hy vọng, và những hy vọng đó không bao giờ rời bỏ tôi”, Ponzi sau này nói với New York Times.

Charles Ponzi trong ảnh chụp hồ sơ tội phạm tại Montreal, Canada. Ảnh: Smithsonian

Trong vài năm tiếp theo, Ponzi đã xoay xở để học tiếng Anh và làm những công việc lặt vặt. Trong tự truyện The Rise of Mr. Ponzi, ôngviết”Tôi đã thử sức mình ở từ nhân viên bán hàng tạp hóa đến tay trống đường phố, thợ sửa máy khâu, nhân viên bán bảo hiểm, công nhân, phụ bếp… Thi thoảng tôi sẽ tự ý nghỉ việc vì cảm thấy ớn”.

Song Ponzi đã không đề cập đến lý do bị sa thải: trộm cắp và lừa đảo khách hàng. Sau khi chuyển đến nhiều thành phố, ông đã đến Montreal, Canada làm nhân viên cho ngân hàng mới thành lập.

Tại đây, ông ta lần đầu tiên chứng kiến các hành vi mà sau này được chính mình áp dụng để lừa đảo. Ngân hàng gặp rắc rối tài chính nghiêm trọng do một số khoản vay bất động sản bị vỡ nợ. Chủ ngân hàng đã cố gắng duy trì hoạt động bằng cách phát động một chương trình lãi suất lớn chưa từng có để thu hút người gửi tiền. Ngân hàng sau đó dùng tiền của khách gửi sau để trả nợ và trả lãi cho khách gửi trước.

Song, ngân hàng phá sản khi ông chủ trốn sang Mexico cùng với phần lớn tiền của ngân hàng. Ponzi sau đó đã làm giả một tấm séc viết cho chính mình và bị phạt tù.

Sau khi được thả vào năm 1911, Ponzi về Mỹ, tham gia vào một âm mưu tội phạm mới: Buôn lậu người nhập cư bất hợp pháp của Ý qua biên giới. Ponzi lại bị bắt và bị giam thêm 2 năm.

Trở lại Boston năm 1917, Ponzi, lúc này đã 35 tuổi, để ý một cô gái trẻ trên sân ga tàu và cưới cô ngay sau vài tháng. Ponzi làm tại hàng tạp hóa của bố vợ, một công ty xuất nhập khẩu và công ty trái cây của gia đình vợ. Nhưng các công ty đều phá sản ngay sau khi Ponzi vào làm.

Một bước lên triệu phú

Sau thất bại liên tiếp, Ponzi có ý tưởng thành lập một tạp chí thương mại quốc tế để kiếm được một khoản lợi nhuận quảng cáo kha khá. Ông ta muốn vay ngân hàng 2.000 USD nhưng bị từ chối thô bạo.

Mọi cánh cửa như đóng sầm trước mặt, nhưng ánh sáng đã tự tìm đến Ponzi.

Mùa hè năm 1919, khi đang cố gắng bán ý tưởng kinh doanh cho các đối tác ở châu Âu, Ponzi nhận được một phiếu trả lời thư bưu chính quốc tế (IRC) mà công ty ở Tây Ban Nha đã gửi kèm để thanh toán trước bưu phí trả lời.

IRC cho phép người gửi trả tiền cước phí luôn cho cả thư người nhận sẽ viết hồi đáp, áp dụng cho hai người ở hai quốc gia khác nhau.

IRC được định giá theo giá bưu phí ở quốc gia mua, nhưng có thể đổi lấy tem để trang trải chi phí bưu phí ở quốc gia nơi đổi. Nếu các giá trị này khác nhau, sẽ có lợi nhuận tiềm năng.

Dòng người đông đúc đợi góp vốn với công ty của Ponzi. Ảnh: Boston Public Library

Lạm phát sau Thế chiến thứ nhất đã làm giảm đáng kể chi phí bưu phí ở Italy, tây Ban Nha được tính bằng USD. Do đó, một IRC có thể được mua rẻ ở Italy, Tây Ban Nha và đổi lấy tem Mỹ có giá trị cao hơn, sau đó có thể bán được.

Ponzi cho rằng có thể kiếm được bộn tiền bằng cách mua một lượng lớn các phiếu IRC này ở một số quốc gia có nền kinh tế kém, và đổi chúng ở các quốc gia có đồng tiền mạnh hơn, ví dụ như Mỹ.

Ponzi thành lập Công ty Giao dịch Chứng khoán và bắt đầu quảng bá ý tưởng này của mình và tuyên bố việc này có thể tạo ra lợi nhuận ròng lên tới 400%.

Đây là một hình thức kinh doanh chênh lệch giá, hoặc kiếm lời bằng cách mua một tài sản với giá thấp hơn ở một thị trường và ngay lập tức bán nó ở một thị trường có giá cao hơn, điều này là hợp pháp và vẫn hợp pháp cho đến ngày nay. Và nếu Ponzi chỉ giới hạn mình trong một hoạt động như vậy, ông ta sẽ vẫn trong sạch.

Tuy nhiên, thay vào đó, Ponzi đã biến doanh nghiệp của mình thành một vụ lừa đảo, thuyết phục mọi người đầu tư vào doanh nghiệp để đổi lấy thêm 50% tiền lãi trong vòng 90 ngày. Lợi nhuận hấp dẫn như vậy quá khó chối từ, và sự quan tâm từ các nhà đầu tư tăng lên.

Ponzi chiêu mộ các “đại lý” của mình, hứa hẹn 10% hoa hồng nếu giới thiệu thêm được nhà đầu tư. Các “đại lý” tiếp tục chiêu mộ thêm đại lý thứ cấp, hứa hẹn lợi nhuận 5%… Cuối cùng, khoảng 40.000 người đã tham gia vào cơn sốt đầu tư IRC. Các nhà đầu tư xếp hàng dài hàng kilomet, đợi được góp tiền cho Ponzi và hưởng lãi.

Tiền liên tục đổ về và Ponzi đã xây dựng được lối sống mà ông theo đuổi trong nhiều năm: một biệt thự 12 phòng ở Lexington sang trọng; hàng chục người hầu; một vài chiếc ô tô, bao gồm một chiếc limousine được chế tạo riêng; quần áo đẹp và gậy Malacca có tay cầm bằng vàng, kim cương cùng nhiều đồ trang sức khác cho vợ. Ponzi đã mua các bất động sản thương mại và cho thuê trên khắp Boston và mua cổ phiếu tại một số ngân hàng.

Villa của Ponzi được chính quyền rao bán với giá 4,3 triệu USD. Ảnh: The Boston Globe

Ponzi nói dối các nhà đầu tư rằng ông đã tích lũy được một mạng lưới đại lý tinh vi trên khắp châu Âu có thể mua phiếu giảm giá với số lượng lớn cho ông và dễ dàng biến những phiếu IRC thành lợi nhuận tài chính khi trở về Mỹ.

Tất nhiên, không có mạng lưới kinh doanh nào. Ponzi cũng không bỏ công sức tiền bạc để mua IRC. Sau này, cuộc kiểm toán về tài sản của công ty Ponzi cho thấy ông ta chỉ dùng 61 USD để mua IRC.

Ông ta giữ lại phần lớn tiền cho mình và trả phần còn lại cho các nhà đầu tư lâu năm. Nhiều người trong số họ rất vui mừng với lợi nhuận của mình đến nỗi họ tái đầu tư thu nhập của mình vào kế hoạch của Ponzi, do đó vô tình giúp Ponzi duy trì trò lừa đảo.

Bại lộ

Khi Ponzi tận hưởng giàu có và danh tiếng, sự nghi ngờ về các giao dịch của ông ta đã sớm theo sau. Ponzi bắt đầu bị báo giới quan sát ngày càng chặt chẽ.

Boston Post khi đóđã rất cao tay khi chạy một bài viết trang nhất ngày 24/7/1920 với tiêu đề “Tiền nhân đôi trong 3 tháng,Lãi suất 50% trả trong 45 ngày bởi Ponzi-Có hàng ngàn nhà đầu tư”. Bài viết mô tả quá trình đi lên từ nghèo khó của Ponzi và định giá tài sản của Ponzi ở mức 8,5 triệu USD.

Nhà báo tài chính Clarence Barron mổ xẻ và chất vấn sự giàu có này: Ponzi nói đã đầu tư tiền của mình vào bất động sản, cổ phiếu và trái phiếu- các tài sản truyền thống lợi nhuận tối đa 5%. Vậy tại sao ông ta không đầu tư cho kế hoạch của riêng mình, vốn tuyên bố sẽ mang lại mức lợi nhuận tới 50%?

Nhà báo cũng cũng tính toán rằng để trả lãi cho các nhà đầu tư, Ponzi cần phải giao dịch khoảng 160 triệu phiếu IRC nhưng thực tế chỉ 27.000 phiếu được lưu hành.

Một bài trong serie phóng sự của Boston Post khiến Ponzi bị vạch trần. Ảnh: Boston Post

Ngay sau bài báo, Bộ Bưu điện Hoa Kỳ đã công bố tỷ giá quy đổi mới cho IRC khiến việc kinh doanh dựa vào giá chênh lệch trở nên vô vọng.

Thủy triều nhanh chóng chuyển hướng chống lại Ponzi. Ông đã bị các cơ quan bưu chính và pháp lý điều tra. Theo lời khuyên của người đại diện, Ponzi đã hợp tác cơ quan công tố, mở sổ sách để kiểm toán chính phủ làm việc. Ponzi thông báo ngưng nhận nhà đầu tư mới từ 26/7/1920 đến khi kiểm toán xong.

Tin tức Ponzi đóng cửa đã thúc đẩy hàng ngàn người đổ xô đến công ty để rút vốn. Ponzi chỉ đạo nhân viên của mình hoàn lại tiền cho bất kỳ ai xuất trình phiếu. Có ngày, Ponzi đã trả hơn một triệu USD.

Các nhà đầu tư sợ hãi đã rút tiền sớm và chỉ lấy lại được tiền gốc, khiến Ponzi tiết kiệm được đáng kể tiền lãi.

Ponzi giữ được cái đầu lạnh, một mặt tỏ ra hợp tác nhà chức trách nhưng bất cứ khi nào được yêu cầu tiết lộ thông tin chi tiết về các giao dịch kinh doanh, ông ta viện cớ “bí mật kinh doanh” để từ chối.

Với công chúng, ông tiếp tục chơi trò anh hùng, phát cà phê và đồ ăn miễn phí cho những nhà đầu tư xếp hàng dài đợi rút tiền ngoài cửa. Nhiều người đổi ý không rút tiền, tiếp tục niềm tin mãnh liệt vào Ponzi và gửi thêm. Đa số, họ là lao động nghèo, đầu tư khoảng 10, 20 USD.

Ngày 11/8/1920, các nhà báo điều tra của Boston Post đã đưa ra tiết lộ gây chấn động rằng “phù thủy tài chính” Ponzi từng thụ án tại Canada vì tội làm giả séc. Bài báo, kết quả của cuộc điều tra riêng của tờ Post, đã chạy đầy đủ ảnh chụp Ponzi từ cảnh sát Montreal và tiền án ở Atlanta vì tội đưa 5 người Italy từ Canada vào Mỹ.

Ngày hôm sau, kiểm toán viên chính phủ, kết thúc cuộc kiểm tra sổ sách của Ponzi, phát hiện công ty thâm hụt 7 triệu USD.

Ponzi đã bị bắt và bị chính quyền liên bang buộc tội gian lận thư tín, kết án 5 năm cộng thêm 9 năm nữa về các tội danh của tiểu bang và bị trục xuất về Italy.

Charles Ponzi (ngồi) bị cảnh sát vây quanh trong khách sạn, chờ bị trục xuất sau khi mãn hạn tù. Ảnh: Boston Public Library

Nửa tá ngân hàng đã sụp đổ sau sự sụp đổ của Ponzi. Tổng thiệt hại trong một năm Ponzi vẫy vùng lừa đảo, khoảng 20 triệu USD (hơn 300 triệu USD ngày nay).

Vợ ông ly hôn trong khoảng thời gian này, phủ nhận việc “cất kho báu của Ponzi ở đâu đó”. Bà nói với báo chí, quá ngán ngẩm chồng vì chính bà cũng bị ông lừa 16.000 USD.

Có nhiều lời kể về cuộc đời của Ponzi sau khi bị trục xuất, trong đó có thông tin từ Edward Dunn, nhà báo của Boston Post đã đeo bám Ponzi từ những ngày đầu.

Theo đó, Ponzi đã nhận được sự giúp đỡ từ người anh họ, đại tá Attilio Biseo của Không quân Italy và là bạn của Mussolini. Biseo đã giúp Ponzi có được một công việc tại một hãng hàng không mới thành lập đang kinh doanh giữa hai nước.

Nhưng năm 1941, khi Mỹ tham chiến Thế chiến II, chính phủ Brazil biết hãng hàng không của Ponzi đang vận chuyển hàng tiếp tế đến Italy nên đã cắt đứt nguồn tiền.

Ponzi mất việc, kiếm sống bằng nghề dạy tiếng Anh và tiếng Pháp. Đầu năm 1948, ông ta bị đột quỵ khiến ông bị liệt một phần. Ponzi qua đời tại một bệnh viện từ thiện ở Rio de Janeiro vào ngày tháng 1/1949, để lại 75 USD để trả tiền chôn cất.

Với những bài báo điều tra không ngừng nghỉ của mình, Boston Post đã giành Giải thưởng Pulitzer năm 1921.

Mô hình lừa đảo Ponzi đến nay vẫn tiếp tục được tội phạm áp dụng. Vụ lừa đảo Ponzi lớn nhất được biết đến trong lịch sử thuộc về Bernie Madoff, Chủ tịch của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, với thiệt hại lên tới 65 tỷ USD, bị kết án 150 năm tù năm 2009.

Hải Thư (Theo Investorpedia, History, International Banker, NYT, Smithsonian)

Nguồn bải viết : https://vnexpress.net/cuoc-doi-charles-ponzi-cha-de-cua-tro-lua-dao-da-cap-4815052.html