Ngày 27-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đến việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nêu rõ thuế TTĐB là để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, không khuyến khích người tiêu dùng các hàng hóa xa xỉ, hoặc hạn chế sản phẩm có hại cho sức khỏe cá nhân, có hại cho môi trường, cộng đồng xã hội.
Vì vậy, khi ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, thì tác động của luật là phải thay đổi hành vi, nếu không thay đổi hành vi thì mục tiêu chúng ta không đạt được. Với nguyên lý như vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng một số đề xuất trong dự thảo luật còn có điểm chưa hợp lý.
Theo ông Cường, thuốc lá, rượu, bia là những sản phẩm có hại cho sức khỏe, nên cần thiết phải tăng thuế TTĐB, song cần xem xét tăng thế nào để thay đổi hành vi người tiêu dùng. Đại biểu không đồng tình với việc tăng thuế nhỏ giọt theo năm vì không thay đổi hành vi, mà nên tăng theo đợt, lần đầu có thể tăng khoảng 10 – 15%, sau đó 5 năm sau sẽ tăng tiếp đợt 2. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi hành vi tiêu dùng đối với các mặt hàng này.
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng nhìn nhận mặt hàng bia có mối quan hệ chặt chẽ với các ngành dịch vụ, ăn uống, du lịch. Trong bối cảnh cần phục hồi du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ về lộ trình để tránh tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, ông Cường cũng đề nghị xem xét lộ trình tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng tốc độ tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu khiến cho doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ta, nhất là các nhà máy hiện đại mới đầu tư vẫn chưa sử dụng hết công suất, sẽ không thể điều chỉnh công suất sản xuất trong thời gian ngắn.
“Cần đánh giá giá tác động, suy tính kỹ hơn về thời gian, lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo mục tiêu điều tiết hành vi, nhưng cũng không tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động”- đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu quan điểm.
Đối với tăng thuế TTĐB mặt hàng thuốc lá, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh hiểm họa do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, bà đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất phương án tính thuế TTĐB với thuốc lá điếu, có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/ bao thuốc lá.
Theo đại biểu, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có “giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất”, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.
Đại biểu Thúy cũng nêu rõ có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn như tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể.
Với các mặt hàng rượu, bia, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đưa ra 2 phương án, trong đó Chính phủ nghiêng về phương án thứ 2. Cụ thể, với mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030.
Đối với mặt hàng rượu dưới 20 độ, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 35% lên 50%, 55%, 60%, 65%, 70% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030.
Đối với mặt hàng bia, Chính phủ nghiêng về phương án tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030.
Nguồn bài viết : https://nld.com.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-lo-trinh-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-bia-ruou-196241127163608203.htm