Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thông tin trên, giải thích thêm trước đây người bị ung thư gây tắc hẹp đường tiêu hóa trên (như thực quản, tâm vị, dạ dày tá tràng) không phẫu thuật thường phải mở thông dạ dày ra da hoặc nuôi ăn bằng ống sonde trực tiếp vào dạ dày. Tuy nhiên, đặt sonde rất bất tiện cho người bệnh và người chăm sóc. Người bệnh phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch để duy trì sự sống, không có cảm giác ăn uống bằng đường miệng, nước bọt tiết ra nhiều nên khạc nhổ liên tục, rất khó chịu. Ống sonde phải vệ sinh thường xuyên và thay mới, nếu không dễ dẫn đến nhiễm trùng như viêm phổi… Trường hợp tắc đại tràng, người bệnh cần mở hậu môn nhân tạo phía trên chỗ tắc, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
“Đặt stent đường tiêu hóa là phương pháp can thiệp tối thiểu, ít xâm lấn, hiệu quả cao, ít biến chứng cho người bệnh ung thư”, bác sĩ Bình nói.
Nguyên nhân gây tắc ống tiêu hóa ở người ung thư giai đoạn cuối là do u tăng kích thước. Người bệnh không thể ăn uống nếu tắc ở đường tiêu hóa trên hoặc bí đại tiện khi tắc ở đường tiêu hóa dưới (đại trực tràng). Lúc này, đặt stent tái lưu thông ống tiêu hóa giúp người bệnh có thể ăn uống và phân được lưu thông trở lại, duy trì chất lượng sống.
Bác sĩ Thanh Bình nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Đơn cử bà Lan, 85 tuổi, phát hiện ung thư thực quản – tâm vị hơn một năm trước. Gần đây, bà ăn uống kém, khó nuốt, nôn ói sau khi ăn, khàn giọng, ho đờm nhiều, cơ thể suy kiệt. Bác sĩ chỉ định nội soi song khối u vùng thực quản – tâm vị đã lan rộng gây hẹp thực quản nên máy soi không qua được.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực bụng cho thấy khối u to vùng thực quản tâm vị (chỗ nối thực quản – dạ dày) gây bít lòng, thực quản phía trên giãn và ứ dịch. Các đám tổn thương đông đặc hai phổi có khả năng gây viêm phổi hít. Dọc bờ cong nhỏ – tâm vị dạ dày còn có nhiều hạch, có thể hạch di căn.
Người bệnh được chỉ định nội soi can thiệp đặt stent xuyên qua chỗ khối u gây hẹp vùng tâm vị. Dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng (C-arm), một stent kim loại dài 12 cm được đặt vào vị trí hẹp, giúp tái lưu thông ống tiêu hóa trên. Sau 4 giờ, bà Lan có thể uống và ăn thức ăn lỏng, sức khỏe cải thiện. Sau một tuần khi tình trạng viêm phổi hít ổn định, bà được xuất viện.
Tương tự, bà Hiền, 91 tuổi, bị ung thư đại tràng góc gan đã di căn hạch ổ bụng, gan và phổi. Khối u làm hẹp lòng đại tràng gây tắc ruột, khiến bà đau bụng nhiều, chướng bụng, không thể đi đại tiện hay xì hơi. Bác sĩ nội soi can thiệp đặt stent kim loại vào chỗ chít hẹp, khơi thông lòng đại tràng. Sau can thiệp 30 phút, bà Hiền không còn đau bụng, có thể đi đại tiện và được xuất viện một ngày sau đó.
Theo bác sĩ Bình, đặt stent đường tiêu hóa còn được áp dụng cho các trường hợp ung thư ống tiêu hóa giai đoạn cuối không còn khả năng phẫu thuật. Đây cũng là giải pháp tạm thời trong giai đoạn nguy hiểm như tắc ruột và bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt u sau đó.
Bác sĩ Bình khuyến cáo người có nguy cơ cao như tiền sử gia đình ung thư dạ dày hoặc đại tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, nhiễm khuẩn HP, dị sản ruột hay tiền sử có nhiều polyp đại tràng, polyp kích thước trên 1 cm cần nội soi định kỳ theo chỉ định. Người bình thường không có triệu chứng lâm sàng nên nội soi tầm soát ung thư dạ dày từ 40 tuổi và đại tràng từ 45 tuổi. Nếu phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn sớm, bác sĩ dùng phương pháp cắt tách niêm mạc (ESD) để loại bỏ tổn thương, điều trị triệt căn, ngăn tổn thương tiến triển và xâm lấn.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn bài viết : https://vnexpress.net/dat-stent-ho-tro-tieu-hoa-cho-nguoi-ung-thu-giai-doan-cuoi-4868343.html